Ngày 15/8/2017, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương, chúng tôi có cuộc làm việc với ông Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Hà và ông Phó chánh Thanh tra Nguyễn Đức Sơn.

Xử lý công bằng, đúng luật pháp?

Hơn 2 giờ đồng hồ trao đổi và phân tích các văn bản pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách đối với bà Chi, ông Hà và ông Sơn đều cho rằng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương chỉ là đơn vị gửi hồ sơ lên Bộ Tư lệnh Quân khu 3, còn mọi việc khác, đề nghị nhà báo phải lên Quân khu 3 làm việc.

Ngày 18/8/2017, chúng tôi có mặt tại Quân khu 3, liên hệ làm việc tới gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi được ông Phó chánh Thanh tra Quân khu 3, Trương Công Việt tiếp đón. Sau một hồi trao đổi về nội dung chúng tôi đến làm việc với quân khu, cũng sau một hồi giải thích, ông Việt yêu cầu chúng tôi phải về Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) lấy giấy giới thiệu đến Quân khu 3 thì mới chính thức làm việc – đây là quy định của Bộ Quốc phòng (?!), mặc dù chúng tôi có trích dẫn Luật Báo chí! Tuy nhiên, qua trao đổi “không chính thức”, ông Việt cho hay, việc của bà Chi, đến nay đã đình chỉ giải quyết, hơn nữa cũng đã hết thời hiệu rồi!

Ra quyết định “bắt” người lao động nghỉ hưu trước tuổi? - Hình 1

Ảnh minh họa (theo Đài Truyền thanh huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Nhằm làm rõ hơn về tính minh bạch, chúng tôi dẫn chứng từ một số văn bản pháp luật và thông tin dư luận để bạn đọc cùng tham khảo.

Trước hết, chúng tôi xin đề cập và trích dẫn Văn bản số 937/QĐ-BTM, ngày 18/5/2009, của Bộ Tham mưu – Bộ Tư lệnh Quân khu 3, do Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Phạm Quang Hợi, ký với nội dung “… Cho quân nhân chuyên nghiệp nghỉ việc chuẩn bị trước khi nghỉ hưu”.

Phần đầu của Quyết định 937, đã dựa trên một số căn cứ từ một số văn bản là chưa phù hợp.

Bởi lẽ, tất cả nội dung của các văn bản đó không còn giá trị, vì trường hợp của bà Chi và nhiều quân nhân chuyên nghiệp trong Bộ Quốc phòng đã được Chính phủ thay bằng Nghị định số 21/2009/NĐ-CP, ngày 23/2/2009 (chưa nói đến nay còn nhiều văn bản khác, theo đó, tuổi nghỉ hưu của quân nhân chuyên nghiêp được tới hơn 50 tuổi), do Thủ tướng Chính phủ ký với nội dung “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sỹ quan thôi phục vụ tại ngũ; sỹ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sỹ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng”.

Tại điều 2 (chế độ, chính sách đối với sỹ quan nghỉ hưu), khoản 2 (chế độ trợ cấp 1 lần đối với sỹ quan nghỉ hữu trước thời hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm…), tiết a của Nghị định 21 ghi rất rõ: “Sỹ quan thuộc diện dôi dư do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền…”.

Trên thực tế, bà Chi đâu phải thuộc diện dôi dư? Vì rằng, khi bà Chi “được” chuyển xuống Trung đội Thông tin của Ban Khoa học – công nghệ và môi trường – trực thuộc Phòng Tham mưu, thì ngay lập tức có người khác thay thế “chân” bà (?!).

Sự việc này, đã được Thanh tra - Bộ Quốc phòng ghi nhận ở Bản thông báo số 1005/TB-T.Tr, ngày 12/9/2014. Xin trích đoạn “… Việc bà Chi có nhiều bằng cấp, nhưng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương đề nghị Quân khu cho nghỉ hưu là theo hướng dẫn của Quân khu đối với những người… có đủ 25 năm tuổi quân…

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương điều động quân nhân chuyên nghiệp khác có bằng trung cấp do quân đội đào tạo… về Ban Khoa học – công nghệ - môi trường nhằm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt… là đúng thẩm quyền…”. 

Bà Chi cho biết, sự ghi nhận này của Thanh tra - Bộ Quốc phòng là do bà kiến nghị việc “bà Chi có nhiều bằng cấp, trong đó có cả bằng chính quy chuyên ngành mà lại phải nghỉ hưu trước tuổi…, trong khi đó lại đi nhận người khác chỉ có bằng trung cấp…”.

Theo Nghị định số 18/2007/NĐ-CP, ngày 1/2/2007, tại Điều 10 (quyền lợi của quân nhân chuyên nghiệp), khoản 1: Quân nhân chuyên nghiệp được khuyến khích học tập nâng cao trình độ, phát minh sáng chế, nghiên cứu đề tài khoa học, sáng tác và đãi ngộ về vật chất, tinh thần theo nghị định của Nhà nước; được xếp công việc phù hợp với trình độ của bản thân và yêu cầu của nhiệm vụ.

Như vậy, theo Nghị định số 18 của Chính phủ thì, bà Chi phải được tuyên dương và ưu tiên, vì từ một quân nhân chuyên nghiệp có bằng trung cấp kỹ thuật thông tin, dám bỏ tiền ra để đi học – nâng cao trình độ bản thân để có tới bằng cử nhân, rồi thạc sỹ… Với trình độ như vậy, được ưu tiên sắp xếp công việc phù hợp, vậy mà phải về nhận công việc trực điện thoại – liệu bà Chi đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương xử lý công bằng và đúng luật pháp?

 Quân đội từ Nhân dân mà ra

Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn, chúng tôi xin dẫn chứng Thông tư liên tịch số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC, ngày 2/7/2009, của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và Bộ Tài chính.

Nội dung xin trích “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/2/2009 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sỹ quan: Sỹ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp…”.

Tại Chương II (chế độ, chính sách), mục 1 (đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu), điều 3 (chế độ trợ cấp 1 lần cho nghỉ hưu trước hạn tuổi), khoản 1, tiết a thuộc diện dôi dư…, khoản 2, tiết 1 của thông tư trên ghi rất rõ: Hạn tuổi của quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ ứng với cấp bậc quân hàm… trung tá, thượng tá: nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi. Như vậy, mặc dù bà Chi có đủ 25 năm công tác được tiêu chuẩn nghỉ hưu về 1 lần, nhưng chưa hết tuổi làm việc, do đó bà Chi vẫn được công tác đến 50 tuổi mới phải nghỉ hưu.

Thông báo của Thanh tra - Bộ Quốc phòng cho rằng, một số vấn đề khiếu nại của bà Chi cũng đã được làm rõ, như: Quyết định 937, Quyết định 73…, giả mạo chữ ký, chữ viết trong hồ sơ bảo hiểm…, bà Chi hết thời hiệu khiếu nại…

Về những vấn đề trên, dư luận cho rằng: Thứ nhất, Thanh tra - Bộ Quốc phòng cho rằng, Bộ Tham mưu – Bộ Tư lệnh Quân khu 3 ra Quyết định 937 cho bà Chi nghỉ hưu là không phù hợp với Nghị định số 21 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 36 của 4 bộ (như đã nêu ở trên); thứ 2, Quyết định 73 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương về điều động người khác thay bà Chi cũng không phù hợp với Nghị định 21 và Thông tư 36; thứ ba, nhân viên quân lực của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương giả mạo chữ ký… đã được Thanh tra - Bộ Quốc phòng thừa nhận là chưa đúng.

Chỉ cần thừa nhận những điều đó thôi, thì toàn bộ hồ sơ bảo hiểm và việc bà Chi về nghỉ hưu là không được thành lập – dẫn tới quyết định nghỉ hưu đối với bà Chi là không có hiệu lực. Còn nữa, Thanh tra - Bộ Quốc phòng cho rằng, bà Chi đã hết thời hiệu khiếu nại là cũng chưa phù hợp. Bởi vì, khi quyết định nghỉ hưu (Quyết định số 937…) của Bộ Tham mưu – Bộ Tư lệnh Quân khu 3 chưa đúng thì làm gì có sự logic – trình tự pháp luật mà cho rằng bà Chi hết thời hiệu khiếu nại?

Từ trước đến nay, đã ai đưa ra quyết định, cũng như bà Chi đã ký nhận quyết định đâu?

Chúng tôi còn nhận được thông tin gợi ý qua điện thoại của ông Hà, Chánh Thanh tra – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương, rằng nên nghiên cứu một số nghị định…

Thực ra, những văn bản ông Hà gợi ý, chúng tôi cũng đã đọc và nghiên cứu. Các văn bản đó chỉ đề cập đến chế độ bảo hiểm – tức ít liên quan đến việc nghỉ hưu của bà Chi. Bởi bảo hiểm chỉ có nhiệm vụ tính toán tháng, năm công tác, sau khi bà Chi có quyết định nghỉ hưu để thanh toán mà thôi.

Thiết nghĩ, quân đội - từ Nhân dân mà ra, ai ai trong đất nước Việt Nam đều có lòng tin yêu đối với bộ đội Cụ Hồ. Cho dù là sỹ quan “có số”, sỹ quan chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng…, chúng ta cũng cần có sự công bằng và minh bạch trong mọi chế độ, chính sách mà Nhà nước đã dành cho họ.

Đề nghị Bộ quốc phòng xem xét lại, cần áp dụng thật chuẩn các văn bản pháp luật đối với trường hợp của Trung tá – sỹ quan chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thư Chi nói riêng và nhiều quân nhân chuyên nghiệp khác nói chung như đã nêu, nhằm tránh những trường hợp oan sai đáng tiếc.

 Trọng Phong – Văn An