Trước những tiềm năng lớn của Long Thành, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường BĐS khu vực này.
Đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường BĐS
Dự án sân bay Long Thành, có tổng diện tích trên 5.000ha nằm trên 6 xã của huyện Long Thành, tổng mức đầu tư 18,7 tỷ USD. Dự án có công suất phục vụ 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay Long Thành cách thành phố Biên Hòa 30km về hướng Tây - Bắc; cách thành phố Thủ Đức khoảng 40km về hướng Tây…
Theo Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trong số những thị trường giáp ranh TP.HCM, Long Thành (Đồng Nai) được biết đến với nhiều ưu thế nổi bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối.
Đáng chú ý, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường BĐS của khu vực. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành có quy mô 5.000ha, có công suất chứa 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu BĐS để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt.
Những diện tích đất trong và lân cận sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vì lợi thế vận chuyển và các dịch vụ chuyên nghiệp, hấp dẫn nhất trong cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện tại, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, giá đất tại Long Thành, Đồng Nai đang ở mức tương đối thấp, nhiều khu vực chỉ từ 20-30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, với sự phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng như hiện tại của địa phương, nhiều chuyên gia dự đoán, mức giá đất khu vực cận sân bay có thể sẽ tăng nhanh.
Bên cạnh đó, đối với phân khúc đất nền, theo một số ghi nhận, thị trường từ đầu năm 2019 đến nay, lượng giao dịch tại những vị trí cận sân bay Long Thành tăng liên tục, sản phẩm tung ra luôn ở mức hấp thụ cao.
Đứng trước những tiềm năng lớn của Long Thành, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường này với những dự án quy mô lớn, dự báo có sức thanh khoản tốt.
Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh cũng cho hay, các nhà đầu tư BĐS đều gắn liền với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đó là lý do mà Tập đoàn Đất Xanh cũng có 1 dự án ở Long Thành.
“Cách đây khoảng hơn 1 tháng, tôi đã đi khảo sát thực tế, Long Thành có tuyến đường trung tâm là tuyến đường Lê Dũng. Một điều rất ngạc nhiên là giá đất dọc tuyến đường này lên tới 70 - 120 triệu đồng/m2. Trong khi ở xung quanh, giống như các chuyên gia đã chia sẻ, thì đây chỉ đơn thuần là vùng nông nghiệp, tuy nhiên, Long Thành là vùng nông nghiệp về cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su. Do vị trí và kết nối xung quanh thuận lợi nên nhu cầu rất cao, khiến bất động sản khu vực này có nhu cầu rất lớn”, đại diện Tập đoàn Đất Xanh cho biết.
“Thành phố sân bay” – Cần tính dài hơi
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Theo quy luật phát triển đô thị, việc kết nối hạ tầng, phát triển sân bay, cảng nước sâu chính là điểm hút mạnh. Và khi chọn Long Thành với sân bay chính tạo ra một cực hút rất mạnh cho khu vực TP.HCM. Sân bay Long Thành không còn là sân bay nội địa mà là sân bay quốc tế. Bởi nhu cầu vận chuyển hành khách hàng hoá ngày càng lớn trong khi các sân bay như Tân Sơn Nhất đã quá tải. Vì vậy, câu chuyện Long Thành và là vấn đề phát triển không cưỡng lại được, nó là chương trình ưu tiên trước mắt phải làm chứ không phải là tầm nhìn dài hạn nữa”.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng lưu tâm: “ Từ giờ đến lúc hoàn thiện sân bay, trở thành thành phố sân bay sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề đó là nâng cấp đô thị lên cấp 1, 2. Mong muốn trở thành thành phố sân bay cần tính dài hơi vì đất đai ở đây vẫn còn hoang sơ, các khu đô thị lớn vẫn còn chưa phát triển”.
Cũng theo ông Chiến, muốn trở thành một thành phố sân bay Long Thành trong tương lai thì việc cần phải bắt tay thực hiện ngay chính là cần phát triển hạ tầng giao thông rồi đến điện, nước rồi mới hình thành lên nhà ở, hạt nhân của các đô thị.
“Về mặt quản lý hành chính thì phải từ thị xã lên được đô thị… Mong muốn là có nhưng phải có định hướng nền móng để các nhà đầu tư có thể đầu tư vào. Tóm lại, phải có quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh… rồi đến quy hoạch chi tiết dự án. Và trong quá trình này sẽ còn nhiều điều chỉnh sao cho phù hợp”, ông Chiến nhấn mạnh.
Nếu đã có quy hoạch của đô thị Long Thành rồi thì phải có quy hoạch cụ thể về sân bay Long Thành, về đầu mối giao thông đi qua sân bay là các tuyến cao tốc. Muốn đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá ở Long Thành cũng buộc phải đẩy nhanh các tuyến cao tốc kết nối, quan trọng nhất là Bến Lức – Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra, có cả các kết nối của hàng không, cảng cụm nước sâu, đường sắt…
Biên Hoà, Vũng Tàu, Thủ Dầu Một chính là đô thị loại 1 nên vị trí kế cận Long Thành chính là điểm mà các nhà đầu tư đang hướng đến.
Tóm lại cần công khai hoá tất cả các quy hoạch hiện nay và phân loại tất cả các dự án để nhà đầu tư nắm được.
Cốt lõi của vấn đề ông Chiến khẳng định: "Khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc BĐS: Nhà ở, công nghiệp, văn phòng, thương mại, BĐS nghỉ dưỡng, nông nghiệp, BĐS sản hạ tầng và có thể là BĐS du lịch tâm linh. Như vậy, trong kế hoạch ưu tiên chính là sân bay Long Thành và kết nối hạ tầng xung quanh".
Kiều Tuyết