Kênh đầu tư vàng
Các tổ chức tài chính dự báo giá vàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng, dù tốc độ có thể chậm hơn so với những năm trước, trong bối cảnh trật tự thế giới đang có sự xáo trộn cũng như các bất ổn địa chính trị vẫn còn đó.
Tại Châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ - hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất vẫn đang tăng trưởng. Mặc dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2023 - 2024, song tâm lý tích trữ vàng của người tiêu dùng nước này vẫn được duy trì. Trong khi đó, các lễ hội và mùa cưới tại Ấn Độ dự báo tiếp tục thúc đẩy việc mua vàng, củng cố vai trò của khu vực này trên thị trường vàng toàn cầu.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, tính đến cuối quý III/2024, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua ròng tổng cộng 694 tấn vàng, gần tương đương với cùng kỳ năm 2022. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm 2025, tạo động lực mạnh mẽ đẩy giá vàng lên cao hơn.
Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng là yếu tố then chốt thúc đẩy nhu cầu vàng. Các cuộc xung đột tại Ukraina và căng thẳng leo thang ở Trung Đông tạo ra một môi trường đầy rủi ro. Vàng - với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn, tiếp tục thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế. Nếu căng thẳng địa chính trị không hạ nhiệt, giá vàng còn có thể tăng cao hơn.
Dự báo, đà tăng của vàng sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2025 khi USD tăng mạnh, trước khi tiến tới mốc 2.800 - 3000 USD/ounce về cuối năm, theo dự báo của một số tổ chức tài chính lớn như JP Morgan.
Bất động sản
Theo CBRE, giá bán căn hộ bình quân trên thị trường sơ cấp đã tăng 28% tại Hà Nội và 10% tại TP. HCM trong năm 2024, chủ yếu do tình trạng khan hiếm nguồn cung và nhu cầu luôn duy trì ở mức cao. Trong giai đoạn 2025 - 2026, dự kiến giá bán căn hộ chung cư sơ cấp và thứ cấp tiếp tục tăng 6 - 8%, dù nguồn cung tăng lên.
Năm 2025, TP. HCM dự kiến có thêm 9.500 căn hộ mở bán mới, tăng 90% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ khu vực phía Đông và phía Tây, trong khi quỹ đất tại trung tâm Thành phố ngày càng khan hiếm. Đây cũng là khu vực có kết nối hạ tầng chặt chẽ với trung tâm Thành phố nhờ các tuyến metro sắp triển khai.
Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mở bán mới dự kiến đạt 30.100 căn, tăng nhẹ so với năm 2024 và đạt mức cao kỷ lục trong 5 năm qua. Dù vậy, nguồn cung mới vẫn tập trung tại phân khúc cao cấp và hạng sang, nên tiếp tục đẩy giá bán sơ cấp lên cao.
Đối với đất nền, tôi cho rằng, tiềm năng tăng giá tập trung ở phân khúc dưới 2 tỷ đồng, đây cũng là sản phẩm có thanh khoản tốt trong nhiều năm qua. Ở Hà Nội, các khu vực có tuyến đường Vành đai 4 đi qua như Sóc Sơn, Thanh Oai, Đan Phượng đều đang có lượng tìm kiếm thông tin mua bán lớn trong những tháng qua.
Tuy nhiên, biến số bất lợi nhất đối với thị trường bất động sản năm 2025 là bảng giá đất đang được điều chỉnh tăng mạnh tại nhiều địa phương. Bảng giá này sẽ tạo ra mặt bằng chi phí mới rất cao khiến giá nhà đất có thể tiếp tục tăng tại nhiều địa phương, làm cho tâm lý mua bán sẽ chậm lại trong nửa đầu năm.
Chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2024 với mức tăng 12,1% so với năm 2023, chốt phiên cuối năm ở mốc 1.266,78 điểm. Mức tăng là một kết quả tích cực khi đặt trong bối cảnh khối ngoại rút ròng kỷ lục cũng như dòng vốn quốc tế quay về thị trường Mỹ.
Dòng tiền nội chính là chất xúc tác đưa thị trường có năm tăng trưởng thứ hai liên tiếp và chỉ đứng sau thị trường Singapore (16,4%) trong nhóm ASEAN-6 trong năm qua.
Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi. Những ngành đầu tư hấp dẫn cho năm 2025 bao gồm sự phục hồi của các cổ phiếu ngành bất động sản, các cổ phiếu thuộc nhóm đầu tư công, các cổ phiếu ngành điện và hạ tầng năng lượng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh mẽ và các ngành công nghiệp mới theo xu hướng toàn cầu như bán dẫn, datacenter… Ngoài ra, ngân hàng cũng là một nhóm ngành đáng chú ý khi thị trường tăng điểm tích cực.
Tuy nhiên, rủi ro đối với thị trường chủ yếu tập trung vào việc chính sách điều hành khó dự đoán của thời kỳ Trump 2.0 có thể làm chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và áp lực tỷ giá trong bối cảnh tiền đồng yếu.
Đối với các nhà đầu tư không có nhiều thời gian nghiên cứu về thị trường chứng khoán, nên tìm kiếm các sản phẩm đầu tư là các chứng chỉ quỹ do các công ty quản lý quỹ phát hành. Đây là các sản phẩm được quản lý bởi các chuyên gia đầu tư chuyên nghiệp và có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường. Năm 2024, hiệu quả đầu tư của phần lớn các chứng chỉ quỹ mở trên thị trường ở mức từ 15 - 30%, cao hơn so với mức tăng của chỉ số VN-Index là 12%.
Tiền số
Năm 2024 đánh dấu kỷ lục lịch sử của Bitcoin khi đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới này vượt qua mốc 100.000 USD/BTC. Trong năm qua, Bitcoin đã tăng giá 130%, các đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn khác cũng có mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ: Ethereum tăng 52%, BNB tăng 124%, Dogecoin tăng hơn 300%... Đây cũng là kênh đầu tư mang lại hiệu quả sinh lời tốt nhất năm 2024.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2025 sẽ xuất hiện nền kinh tế lớn công bố chiến lược dự trữ Bitcoin, bên cạnh các tài sản dự trữ truyền thống như vàng và ngoại tệ. Điều này càng củng cố vị thế của Bitcoin như một tài sản dự trữ toàn cầu và có thể dẫn đến cuộc đua tích lũy. Nhiều quỹ ETF tiền số đang được hình thành cũng gia tăng tiềm năng của loại tài sản này.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đây là loại tài sản chưa được công nhận tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, lại có biên độ dao động rất lớn, nên ẩn chứa nhiều rủi ro, do đó, cần có tỷ lệ phân bổ an toàn, hợp lý.
PV (t/h)