Đơn hàng xuất khẩu tạm ổn nhưng ngành dệt may đang phải đối mặt với một vấn đề khác đó là nguồn cung nguyên liệu. Giá cả nguyên phụ liệu được dự báo sẽ tăng lên trong những thời gian tới. Các doanh nghiệp dệt may trong nước đang tìm nhiều cách để ứng phó với tình hình này.

Một số doanh nghiệp cho biết, họ đầy đủ nguyên liệu các chủng loại cho các đơn hàng quý 1/2021, giá ổn định, thế nhưng, dự kiến giá nguyên liệu trong thời gian tới sẽ tăng 5-10%.

Sẽ không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng dệt may xuất khẩu năm 2021
Sẽ không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng dệt may xuất khẩu năm 2021.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết: "Hiện tại 70% nguyên liệu là chúng tôi nhập khẩu, 30% là trong nước, trong đó, chúng tôi nhập từ Trung Quốc khoảng gần 60%, các nước khác như Nhật Bản Hàn Quốc.... chiếm 40%".

Giá nguyên liệu tại các doanh nghiệp cung ứng hiện nay chưa tăng, nhưng giá cước logistic quá cao do dịch bệnh khiến giá cả đầu vào sản xuất tăng lên đáng kể. Vì thế, cân bằng tài chính để đảm bảo sản xuất có hiệu quả là bài toán thách thức:

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nói: "Cạnh tranh về giá đang hết sức thách thức, phải là những người có năng suất rất tốt, quản trị giá thành hiệu quả mới có được lợi nhuận 2021 này. Giá nguyên liệu tăng nhưng giá thành phẩm lại phải giảm 15-20%".

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều đã có lượng đơn hàng đến hết quý 2. Đa dạng chuỗi cung ứng nguyên liệu, tìm kiếm các đối tác cạnh tranh về giá cả, chất lượng là việc các doanh nghiệp dệt may đang tiến hành để đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, đúng yêu cầu của nhà sản xuất. Thế nhưng, trong một tương lai không xa, xây dựng chuỗi khép kín từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là bài toán mà các doanh nghiệp lớn trong ngành đã tính đến, không chỉ ứng phó với tình hình nguyên liệu tăng giá hiện tại mà lâu dài để có thể tối ưu hoá lợi nhuận cũng như tận dụng nhân lực sẵn có.

Hải Minh