Tại Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2022 có nội dung: Chính phủ thống nhất sửa đổi Luật Nhà ở. Việc sửa đổi là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho người dân; hoàn thiện các chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.

Ảnh minh họa internet
Sửa đổi Luật Nhà ở vì liên quan, chồng chéo đến 05 Luật khác. Ảnh minh họa internet.

Theo Bộ Xây dựng, các Luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực nhà ở hiện hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai... đã và đang làm nảy sinh một số quy định pháp luật liên quan chưa tương thích, cần điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014 không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã chỉ ra các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai, như: Vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thông tin: Luật Nhà ở sửa đổi được Bộ Xây dựng xây dựng trên quan điểm phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Luật Nhà ở sửa đổi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực nhà ở.

Q.N (t/h)