Nhiều đòn bẩy phát triển
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, riêng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7.891,5 nghìn lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tới năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa sẽ tăng trưởng đạt 100 triệu lượt khách, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng cao.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng; “Tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam là rất lớn, vì ngành du lịch tăng trưởng với tỷ lệ khá cao 30-40% và tương lai có thể tiếp tục tăng trưởng hơn. Du lịch Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nơi tăng trưởng mạnh trên thế giới, khả năng tăng về BĐS du lịch nghỉ dưỡng hoàn toàn phù hợp.
Theo báo cáo của CBRE, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 300.000 phòng lưu trú (loại 3 sao trở lên). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tổng lượng phòng khách sạn từ 3 sao trở lên tại các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt… mới có khoảng 102.758 phòng. Các thành phố du lịch lớn tại Việt Nam cần thêm khoảng gần 78.000 phòng khách sạn lưu trú. Đây là những con số hết sức ấn tượng và "màu mỡ" cho giới đầu tư địa ốc.
Hệ số sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội, TP. HCM và các khu du lịch nghỉ dưỡng đạt mức cao (trên 90%), việc đặt phòng vào các dịp nghỉ lễ rất khó khăn. Nhu cầu về phòng nghỉ tại các khu du lịch rất lớn sẽ thu hút nhiều NĐT hướng tới phân khúc này.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, thị trường BĐS nghỉ dưỡng giờ đây là thị trường của nhà đầu tư thực thụ. Do đó, tham gia đầu tư vào “miếng bánh béo bở” này cần phải có sự khôn ngoan và tính toán kĩ lưỡng. NĐT thực sự ngày nay đang “nhắm” đến những dự án độc đáo, mới lạ nhưng gần gũi để nắm chắc cơ hội sinh lời bền vững lâu dài, chứ không phải là đầu tư lướt sóng hay chú trọng vào cam kết từ CĐT như trước đây.
Khác biệt hoá sản phẩm
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel Châu Á TBD cho rằng các CĐT hiện nay quá chú trọng vào các cơ hội thị trường trong ngắn hạn và chủ yếu phát triển các sản phẩm phục vụ tăng trưởng nhu cầu phòng. Thị trường đang thiếu sự đa dạng các loại hình sản phẩm do việc lặp lại các mô hình đã hiện hữu, thay vì nắm bắt các xu hướng và mô hình mới.
Bàn luận về xu hướng nào sẽ “lên ngôi” của BĐS nghỉ dưỡng, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở khu vực miền Bắc và miền Trung, Savills Việt Nam chia sẻ: “Nhiều du khách đến từ nơi rất phát triển, xa hoa phồn thực rồi nên đôi khi họ muốn tìm đến nơi thực sự yên tĩnh, có nét độc đáo riêng của vùng miền, của khu vực, và tạo ra trải nghiệm của riêng họ”.
Yếu tố văn hoá đang được đưa vào BĐS nghỉ dưỡng
Ông Hiền chia sẻ thêm: “ Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện mô hình nghỉ dưỡng homestay, có nghĩa là du khách ở cùng gia đình người địa phương. Du khách hàng ngày có thể đi ra làm đồng, làm ruộng trồng cây với người dân hoặc du khách có thể thoải mái đi bộ, đạp xe, sống cuộc sống thực thụ ở làng quê Việt Nam. Hội An đang phát triển các hoạt động này rất mạnh. Một dự án BĐS nghỉ dưỡng mới Hội An được phát triển xây dựng đẳng cấp 5 sao nhưng vẫn bám vào những yếu tố làng quê Việt Nam như yếu tố xanh, yếu tố canh tác...”. “Đây cũng là xu hướng mới mang tính văn hoá đậm nét Châu Á. Những mô hình đặc biệt này sẽ lọc ra được những tập khách du lịch đến ăn nghỉ theo cách riêng của họ”, ông Hiển nhấn mạnh thêm.
Ông Chavatik Wanakasemsan (Winn) đến từ Lub Company Limited cho biết: “Đối tượng khách du lịch trải nghiệm thường không chuộng các khách sạn truyền thống mà tìm kiếm sự trải nghiệm văn hóa cùng với bạn bè hoặc cộng đồng địa phương. Những du khách này yêu thích ghi lại những hình ảnh và khoảnh khắc, tìm hiểu ẩm thực văn hóa địa phương và chia sẻ qua các kênh mạng xã hội. Hiện nay, số lượng du khách kiểu này đang gia tăng rất mạnh”.
Bên cạnh đó, ông Hiển cũng cho biết, đầu tư vào một dự án BĐS nghỉ dưỡng không hề ít tiền, nhiều dự án trong 5 năm, 10 năm đầu rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch nhưng sau 10 năm du khách lại không thích nữa vì lỗi thời, xuống cấp. Do đó, các CĐT hiện nay muốn tìm kiếm các sản phẩm có giá trị bền vững, ổn định và không bị lỗi mốt, tồn tại với thời gian, không bị phụ thuộc vào thời gian.
Ông Hiển cho rằng: “Những dự án đưa được chất liệu đá và gỗ tự nhiên vào sản phẩm của mình sẽ có tuổi thọ và tuổi đời kinh doanh kéo dài hơn. Bởi hầu hết sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng được xây dựng ở miền biển, sông nước có độ ẩm lớn. Đặc biệt càng gần biển thì oxy hoá càng mạnh vì nồng độ muối cao. Do vậy hầu hết các sản phẩm BĐS nghĩ dưỡng hiện tại chi phí bảo trì rất tốn kém, thời gian bảo trì lại ngắn nên CĐT cần cân nhắc nghiên cứu, làm sao vừa tự giảm thiểu các chi phí vận hành quản lý của mình, vừa tiết kiệm năng lượng như điện, nước”.
Trúc Mai