Tạo điều kiện tốt nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ - Hình 1

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm khuyến khích sự kết hợp của 3 nhà: “Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học”. Tại hội thảo, các báo cáo đã được trình bày xoay quanh chủ đề chính như tổng quan một số hoạt động thúc đẩy đổi mới công nghệ đã triển khai từ các bộ, ngành nói chung và của Bộ KH&CN nói riêng.

Tổng hợp ý kiến của đại diện của các chủ thể là đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức khoa học, để thấy rõ những thuận lợi và khó khăn trong qúa trình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Trao đổi thảo luận sâu để thống nhất các ý kiến đề xuất đối với từng chủ thể và cơ chế phối hợp hiệu quả để hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ sẽ có những thành công lớn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định, Chính phủ cũng như Bộ KH&CN đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Việc xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới KH&CN, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ của nhà nước, thông qua việc hình thành các quỹ như phát triển KH&CN, đổi công nghệ quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ từ quy mô quốc gia đến quy mô địa phương, các chương trình quốc gia thuộc các bộ, ngành.

Điều này, thể hiện quyết tâm của Chính phủ , cũng như của  các bộ, ngành trong việc tập trung nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy KH&CN và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho rằng, tính đến nay, sau một thời gian triển khai hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ từ các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những thuận lợi, còn gặp không ít khó khăn sau khi đi vào thực tế, cũng như việc phối kết hợp giữa ba nhà. Bên cạnh đó, năng lực đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các doanh nghiệp ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, vai trò của doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ động, là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ. Đổi mới công nghệ là nhu cầu tự thân vận động của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ tạo môi trường pháp lý thuận lợi, chứ không thể làm thay. Đổi mới công nghệ - sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường sản phẩm, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới, công nghệ mới.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, trong xu thế hiện nay, vai trò của doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Doanh nghiệp phải là đối tượng trung tâm của đổi mới sáng tạo. Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường mối liên kết giữa "ba nhà"…

Khẳng định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ, tuy nhiên, ông Trương Minh Khôi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và thiết bị công nghiệp (CIE) cho rằng, để hoạt động thực sự có chuyển biến về chất, thực sự đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và xã hội, cần có sự tăng cường quản lý của Nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) nhận định, đổi mới công nghệ là một trong những động lực để doanh nghiệp hội nhập thành công và nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Trong quá trình này, tổ chức KH&CN đóng vai trò rất quan trọng, như một cầu nối giữa chính sách và doanh nghiệp, là chất xúc tác cho quá trình chuyển hóa chính sách, nguồn lực Chính phủ thành giải pháp công nghệ hữu ích cho doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhận những ý kiến chia sẻ, cũng như những đề xuất của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không cách nào khác đó là cần phải đặt doanh nghiệp làm vị trí trung tâm. Tuy nhiên, để làm được điều này, các doanh nghiệp cần đặt đầu bài lại với các tổ chức nghiên cứu, cơ quan nhà nước xem mình cần gì, cần hỗ trợ ra sao để thực hiện việc đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng cũng đề nghị, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nên xem xét, nghiên cứu thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp; xây dựng sổ tay hướng dẫn chung về cách thức hoạt động, vận hành chung về thủ tục cơ chế cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nghiên cứu việc giảm thủ tục gọn nhẹ, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Thanh Bình