Giống cây lâm nghiệp được ngành chức năng của huyện Phú Lương quản lý chặt chẽ, đảm bảo cho trồng rừng vụ xuân năm 2024 |
Ông Nguyễn Văn Hè, xóm Làng Muông, xã Yên Ninh (Phú Lương), cho biết:
"Gia đình tôi có khoảng 5ha rừng keo. Nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế rừng nên tôi luôn chú trọng chọn mua cây giống đảm bảo chất lượng, bón phân và chăm sóc thường xuyên nên chỉ khoảng 7-8 năm là cây keo được khai thác. Hiện nay, rừng keo của gia đình đang được khai thác gối, đem lại nguồn thu nhập ổn định qua các năm".
Được biết, xã Yên Ninh là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất huyện Phú Lương, với trên 3.100ha, trong đó có khoảng 2.100ha rừng sản xuất. Khai thác, phát huy lợi thế đó, xã luôn chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất lâm nghiệp; thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con nhân dân phát triển kinh tế rừng, tham gia thực hiện các dự án trồng rừng… Hiện nay, trong xã có gần 1.000 hộ có nguồn thu nhập từ rừng, chiếm khoảng 50% tổng số hộ.
Ông Nông Văn Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh chia sẻ:
"Cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với cách làm này, người dân vừa chăm sóc được diện tích rừng đến tuổi khai thác, vừa có nguồn thu nhập thường xuyên để duy trì sinh hoạt, nâng cao đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,33%, giảm 1,04% so với đầu năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2020".
Huyện Phú Lương có 191 cơ sở chế biến lâm sản, đáp ứng đầu ra cho 100% diện tích rừng khai thác hàng năm của địa phương |
Với khoảng 1.500ha rừng sản xuất, Yên Lạc cũng là địa phương có lợi thế phát triển lâm nghiệp ở Phú Lương. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, UBND xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho bà con trồng rừng. Trong năm 2023, xã đã được thẩm định 18 hồ sơ khai thác rừng, với diện tích gần 25ha và khối lượng khai thác gần 14.000³ gỗ.
Ông Thi Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh:
"Cụ thể hóa nghị quyết về phát triển kinh tế rừng của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con; hướng dẫn các hộ đưa giống cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. UBND xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ và phát triển rừng".
Phú Lương hiện có gần 16.700ha rừng, chiếm 48% tổng diện tích tự nhiên. Trong số trên, diện tích rừng sản xuất là trên 14.200ha, còn lại là rừng phòng hộ (chủ yếu là các loại cây keo, mỡ, bạch đàn), tập trung tại các xã: Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt...
Mỗi năm toàn huyện trồng mới khoảng trên 500ha rừng, khai thác khoảng 350ha rừng với trên 50.000m³ gỗ. Năm 2023, giá trị kinh tế rừng của Phú Lương đạt 218 tỷ đồng. Năm 2024, huyện có kế hoạch trồng mới 500ha rừng, đồng thời nâng tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn lên trên 226ha.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương nhìn nhận:
"Hiệu quả từ kinh tế đồi rừng ở Phú Lương, đã được khẳng định trong nhiều năm qua. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với UBND các xã để triển khai các cơ chế, chính sách, hỗ trợ người dân nâng cao giá trị kinh tế từ rừng như hỗ trợ trồng rừng theo dự án; tập huấn chuyển giao kĩ thuật trồng rừng, phối hợp cấp chứng chỉ FSC, kết nối tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp"…
H. Thủy (Nguồn: https://baothainguyen.vn/)