Ảnh minh họa
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Thanh Hóa, các cấp, các ngành, việc thường xuyên đôn đốc hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán; cùng với sự quan tâm, chấn chỉnh và tập trung nhân lực, thời gian đối với công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của các đơn vị, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực (sau đây gọi chung là chủ đầu tư);... nên công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đã có sự tiến bộ rõ rệt, đáp ứng cả về chất lượng và thời gian trong việc lập, thẩm tra và phê duyệt.
Tuy nhiên, hiện nay, trong công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành vẫn còn tình trạng một số dự án đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư vẫn chậm lập, nộp báo cáo quyết toán so với quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính Quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước; việc kiểm toán độc lập trước khi thẩm tra, phê duyệt quyết toán nhưng không có ý kiến của người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dẫn đến việc quản lý dự án kéo dài, gây nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), làm giảm hiệu quả đầu tư; không tất toán được tài khoản của dự án, không hạch toán tăng tài sản kịp thời cũng như việc theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, công tác Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã được tiến hành thường xuyên và với phạm vi rộng, nhất là trong công tác quản lý đầu tư XDCB. Vì vậy, đối với các dự án đã được Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra toàn diện sẽ không phải thực hiện Kiểm toán độc lập. Đối với những dự án chưa được Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra toàn diện thì phải nghiên cứu nội dung còn lại chưa được kiểm tra để xem xét mức độ cần thiết đề xuất có kiểm toán độc lập hay không kiểm toán độc lập để tiết kiệm chi cho NSNN. Về việc này tại Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã nêu rõ “Các chủ đầu tư kiểm tra, rà soát hồ sơ dự án hoàn thành đã đưa vào sử dụng để lập hồ sơ quyết toán theo quy định; trường hợp xét thấy cần thiết phải kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trước khi thẩm tra thì gửi đề xuất về cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo người phê duyệt quyết toán quyết định”. Tuy nhiên công tác này chưa được các chủ đầu tư quan tâm.
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trên; tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn NSNN theo chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, cũng như UBND tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đã giao cho các dự án trong năm 2020, góp phần tăng trưởng kinh tế;… Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã Thành phố; các chủ đầu tư quán triệt và tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung chỉ đạo tại mục 1 Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc: “Tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.
Khẩn trương thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng đến nay chưa thực hiện quyết toán dự án theo quy định; xác định rõ nguyên nhân chậm quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng trường hợp, đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, báo cáo về cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán. Riêng đối với các dự án hoàn thành chậm quyết toán từ 12 tháng trở lên, chủ đầu tư phải báo cáo rõ nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, các nhân có liên quan để cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
Trường hợp xét thấy cần thiết phải kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trước khi thẩm tra thì gửi đề xuất về cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo người phê duyệt quyết toán quyết định; phải lựa chọn các tổ chức kiểm toán độc lập có uy tín đảm bảo yêu cầu về chất lượng và thời gian, cũng như có các quy định cụ thể để xử phạt vi phạm hợp đồng.
Đối với các chủ đầu tư quản lý dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt quyết toán của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác quyết toán về Sở Tài chính trước ngày 10 tháng đầu của quý sau liền kề đối với báo cáo quý và trước ngày 15/01 năm sau liền kề đối với báo cáo năm.
Giao Sở Tài chính Thanh Hóa tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư khắc phục tình trạng chậm lập và nộp quyết toán dự án hoàn thành. Đối với những chủ đầu tư không chấp hành nghiêm quy định về lập, nộp quyết toán vốn đầu tư dự ánhoàn thành:
Cho phép Sở Tài chính Thanh Hóa theo thẩm quyền, xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư chậm quyết toán dự án hoàn thành theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về việc: “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở”.
Đối với những trường hợp đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần nhưng không thực hiện, giao Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn hình thức thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tham mưu đề xuất hình thức xử lý phù hợp theo quy định nếu vượt quá thẩm quyền của Sở.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư nghiêm túc khẩn trương quán triệt và chỉ đạo thực hiện.
Hoài Thu