Công trường thi công tuyến đường từ QL1A đến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi SơnCông trường thi công tuyến đường từ QL1A đến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn

Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2020, toàn tỉnh này đã giải ngân được hơn 9.859 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 84,2% kế hoạch cả năm.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang đứng thứ 6 trong 63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong cả nước. Trong một cuộc họp trực tuyến gần đây về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao và khen ngợi các tỉnh trong tốp đầu, trong đó có Thanh Hóa.

Vốn đầu tư công có vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống hạ tầng, các công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của từng địa phương. Đây cũng là cơ hội để tạo điều kiện cho nhân dân các vùng miền, nhất là khu vực miền núi phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với các nguồn vốn đầu tư công do Trung ương phân bổ, nếu địa phương nào không hoàn thành kế hoạch trong năm, có thể bị thu lại dẫn đến dự án dở dang, gây nhiều hệ lụy. Theo đó, với các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2020 tại tỉnh Thanh Hóa, các chủ đầu tư, nhà thầu đã phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thi công nên giá trị khối lượng thực hiện các dự án đến cuối tháng 11 đã đạt hơn 9.300 tỷ đồng. Kết quả này được coi là điểm sáng trong cả nước bởi từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 và nhiều nguyên nhân khác đã làm chậm tiến độ nhiều dự án nên không thể giải ngân vốn hoặc giải ngân rất chậm.

Riêng Sở Giao thông – Vận tải Thanh Hóa, từ đầu năm đã được tỉnh Thanh Hóa giao làm chủ đầu tư 12 dự án giao thông lớn trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn giao là 1.661 tỷ đồng. Đến nay, nhiều dự án đang có tiến độ triển khai tương đối bảo đảm, như: đường nối TP Thanh Hóa đến Cảng Hàng không Thọ Xuân, đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến đường 514; đường giao thông nối Quốc lộ 217 với Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47...

Trong năm 2020, UBND nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa cũng được giao làm chủ đầu tư 302 tỷ đồng vốn đầu tư công để triển khai các hạng mục, dự án, mà chủ yếu là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án. Nhiều nhất là huyện Triệu Sơn với số vốn phải giải ngân trong năm là 103,3 tỷ đồng, tiếp đến là huyện Vĩnh Lộc 50 tỷ đồng, huyện Đông Sơn 39,5 tỷ đồng, huyện Hà Trung 22 tỷ đồng, TP Thanh Hóa 21,8 tỷ đồng, huyện Thiệu Hóa 10 tỷ đồng, huyện Như Thanh 3,5 tỷ đồng, huyện Yên Định 2,8 tỷ đồng...

Đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ các huyện: Như Thanh, Thiệu Hóa và Vĩnh Lộc có tiến độ giải ngân chậm, còn lại đều có tiến độ giải ngân đạt tỷ lệ cao. Tại nhiều dự án, khâu giải phóng mặt bằng và bồi thường do các huyện triển khai đã hoàn thành, tạo điều kiện để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Những kết quả trên có được là nhờ vào sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương đưa ra kế hoạch đầu tư công trong năm. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều nhiệm vụ và các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công.

Nổi bật trong các giải pháp và nhiệm vụ ấy là “quy trách nhiệm” của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; rà soát, rút ngắn được thời gian xử lý hồ sơ công việc và cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện kế hoạch giải ngân. Một đổi mới khác là, năm nay, ngay khi Thủ tướng Chính phủ có thông báo kế hoạch vốn, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã giao kế hoạch chi tiết, từ đó các chủ đầu tư và nhà thầu có cơ sở thực hiện ngay từ đầu năm.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020 mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra kế hoạch đầu tư công năm 2021 với tổng vốn đầu tư do UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý khoảng hơn 9.218 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh hơn 7.164 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng gần 2.054 tỷ đồng (cả vốn trong nước và các nguồn vốn từ nước ngoài, các tổ chức quốc tế). 

Hoài Thu