Chhdhdhdjdj
Thanh Hoá sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để nhằm giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh về lâu dài.

Theo số liệu thống kê, Thanh Hóa có khoảng trên 300.000 người lưu trú ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, phần lớn là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15 đến 35, chiếm 65%. Người lao động chủ yếu làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do.

Xác định giải quyết việc làm cho lao động hồi hương nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội là yêu cầu cấp thiết, Sở Lao động- Thương binh & Xã hội Thanh Hoá đã xây dựng phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động từ các tỉnh trở về.

Tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu, thúc đẩy phát triển thị trường lao động phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Trung tâm Dịch vụ việc làm - đơn vị sự nghiệp thuộc sở đã tổ chức khảo sát tình hình biến động lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kịp thời cung cấp cho các phòng nghiệp vụ làm cơ sở tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu để dự báo cung cầu lao động trong ngắn hạn và trung hạn kịp thời, đảm bảo chính xác.

Trong năm 2023, trung tâm dự kiến sẽ tiến hành cập nhật, khảo sát tình hình biến động lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của 2.600 lượt doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng khoảng 120.000 lao động.

Thực hiện khảo sát 600 lượt lao động tái hòa nhập thị trường lao động sau khi được đơn vị hỗ trợ tìm kiếm việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động và các chính sách liên quan cho khoảng 140.000 lượt người thông qua các hình thức khác nhau, như: qua các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm; qua fanpage và thư điện tử của đơn vị,...

Hàng tháng, hàng quý xây dựng các bản tin về thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bản tin video, cập nhật về thị trường lao động, xây dựng cẩm nang kỹ năng phỏng vấn xin việc làm... nhằm tuyên truyền, phổ biến đến người lao động tình hình thị trường lao động trong nước và nước ngoài; các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ việc làm,... đồng thời làm nền tảng cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động - việc làm.

Triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và vận hành website, phần mềm bảo hiểm thất nghiệp, phần mềm cung lao động và các phần mềm liên quan khác.

Dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023, tỉnh Thanh Hoá có khoảng 25.000 người lao động trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất là khu vực phía Nam; cùng với việc một số doanh nghiệp may mặc, giày da... trên địa bàn tỉnh sẽ gặp khó khăn do không có đơn hàng, một số doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động, chưa mở rộng đầu tư, sản xuất nên tiếp tục cắt giảm lao động, tiền lương, tiền thưởng của người lao động bị ảnh hưởng.

Để thực hiện tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động cũng như theo dõi tình trạng việc làm của người lao động, Sở Lao động- Thương binh & Xã hội Thanh Hoá đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, cập nhật danh sách người lao động trở về.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình học nghề, giải quyết việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, các dự án, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với những thông tin về thị trường lao động.

Chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh phối hợp với các tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên nắm bắt tình hình cắt giảm, cho thôi việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với việc này.

Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng để rà soát, đánh giá nhu cầu, phân tích thị trường lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh. Kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương để giới thiệu doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động phổ thông.

Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người lao động bị mất việc.

Một trong những giải pháp căn bản Thanh Hoá thực hiện trong năm 2023 để nhằm giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh về lâu dài là tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Khi các dự án của Tập đoàn SunGroup, các nhà máy, khu du lịch, nghỉ dưỡng được hoàn thành và đưa vào hoạt động trên địa bàn sẽ giúp người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn trong nghề nghiệp.

Hoài Thu