Từ việc “chống lưng” cho công ty chồng...
Không chỉ được “chống lưng” bởi bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trong nhiều phi vụ làm ăn, ông Đỗ Tịnh, chồng bà Thanh đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cường Hưng còn thực hiện nhiều dự án tai tiếng.
Theo hồ sơ năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép Công ty TNHH MTV Song Khuê do ông Đỗ Tịnh làm giám đốc, được lập dự án khu dân cư thương mại, dịch vụ xã Phước Tân (huyện Long Thành – nay thuộc TP. Biên Hòa) với diện tích gần 92ha.
Năm 2008, ông Đỗ Tịnh đổi tên Công ty TNHH Song Khuê thành Công ty TNHH Cường Hưng với vốn điều lệ 225 tỷ đồng. Bà Phan Thị Mỹ Thanh có tham gia điều hành, can dự vào nhiều hoạt động công ty của chồng mình trong suốt giai đoạn bà là Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch cho đến khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Khu bến thủy nằm tại khu vực dự án khu dân cư Phước Tân, do bà Thanh ký cấp cho Công ty Cường Hưng làm nơi cung cấp VLXD từ mỏ đá của HTX An Phát
Bà Thanh còn can dự cả vào việc đổi giấy chứng nhận kinh doanh, chuyển tiền bồi thường giữa Công ty TNHH Cường Hưng với các đơn vị khác. Trong hồ sơ có nhiều văn bản, bút tích cho thấy bà Thanh điều hành thay chồng trong các thỏa thuận hợp tác làm ăn.
Công ty TNHH Cường Hưng có 3 thành viên góp vốn điều lệ gồm ông Đỗ Tịnh góp 40% (tương đương 90 tỷ đồng), bà Lữ Thị Thanh Xuân và Nguyễn Thị Diễm Kiều góp mỗi người 30% (tương đương 67,5 tỷ đồng/người).
Tuy nhiên, sau đó xuất hiện một cổ đông sở hữu 11% vốn. Người này là bà Đỗ Phan Duy Khuê (con gái ông Tịnh và bà Thanh). Sự xuất hiện của con gái bà Thanh khiến một cổ đông hợp pháp của công ty là bà Xuân bị xóa tên với tư cách là thành viên góp vốn dù bà này trước đó nắm 30% vốn của công ty.
Công ty TNHH Cường Hưng đã kêu gọi Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) góp vốn đầu tư dự án khu dân cư thương mại, dịch vụ xã Phước Tân. Tuy nhiên, khi Donacoop ký hợp đồng hỗ trợ vốn, chuyển cho Công ty TNHH Cường Hưng gần 265 tỷ đồng để thi công dự án thì công ty này không triển khai, dây dưa nguồn vốn suốt nhiều năm.
Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Donacoop nói dù đã nhiều lần gia hạn để Công ty TNHH Cường Hưng triển khai dự án nhưng suốt 7 năm qua dự án vẫn án binh bất động. Không chỉ vậy, Công ty TNHH Cường Hưng còn tự ý mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án cầm cố ngân hàng.
Theo ông Trúc, Donacoop nhiều lần đòi nợ gốc và lãi nhưng công ty Cường Hưng vẫn phớt lờ. Ông Bùi Thanh Trúc đã làm đơn tố cáo gửi đi nhiều nơi. Ngoài nội dung tố cáo trên, bà Thanh và chồng còn bị cho là dùng quỹ đất của dự án đem cho thuê mặt bằng và kinh doanh cảng vật liệu xây dựng để thu lợi riêng cho gia đình.
Trong khi dự án trên đang tranh chấp với Donacoop thì ngày 26/4, ông Đỗ Tịnh đã ủy quyền cho Công ty CP Xây dựng, dịch vụ địa ốc Đất Nguồn lấy đất dự án phân ra 432 nền đem bán. Việc này, theo Donacoop là sai với các quy định của pháp luật khi đã “bán” hai lần đất dự án.
... đến việc “làm thay” lĩnh vực công việc của người khác
Trong thời gian là Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương), bà Thanh đã thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án Khu nhà tập thể Sở Công nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, năm 1996 UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Công nghiệp lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư Nhà máy dệt Thống Nhất tại phường Tân Biên, quy mô 1,6 ha. Trong đó tỉnh giao Sở Công nghiệp thực hiện các hạng mục xây dựng như hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống thoát, cấp nước, đường lưới điện. Lúc này Sở Công Thương đã thu của các hộ dân với tổng số tiền hơn 250 triệu đồng nhưng không thực hiện dự án.
Đường chuyên dụng vận chuyển VLXD chỉ hơn 7 km, nhưng được bà Thanh giao cho HTX An Phát đầu tư BOT (vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng)
Đến năm 2003, bà Thanh giữ chức giám đốc Sở Công Thương, tiếp tục thu tiền của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng Sở Công Thương không triển khai các bước tiếp theo của dự án mà mang 670 triệu đồng gửi lấy lãi suốt hơn ba năm.
Khi tiếp nhận quỹ dự án, bà Thanh không được nhận các biên bản bàn giao hồ sơ. Sau đó, bà Thanh bàn giao cho thời kỳ sau cũng không có nội dung bàn giao về kinh phí của dự án.
Cũng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, khi giữ chức ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà đã ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho công ty của chồng đầu tư dự án khu dân cư thương mại 95 ha tại xã Phước Tân.
Cụ thể, đầu tháng 8/2014, bà ký văn bản có nội dung: “Hiện cả hai dự án (khu dân cư Phước Tân và đường liên xã) đã triển khai thi công được 80% khối lượng. Dự án đường liên xã dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014”.
Thực tế thì, chủ đầu tư chưa thực hiện khối lượng như văn bản mà bà Thanh đã ký. Việc triển khai dự án chưa tuân thủ các quy định pháp luật như không khảo sát, lập thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, không thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền…
Với cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh (từ tháng 6/2011 - 9/2014), bà Thanh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp của gia đình đồng chí.
Bà Thanh cũng đã ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh.Cụ thể, bà có văn bản ký thay chủ tịch tỉnh gửi Sở GTVT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính... hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng dự án với nội dung: Chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách tỉnh đối với phần giải phóng mặt bằng của dự án.
Tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thành tiểu dự án độc lập, giao cho UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư. Ngay sau đó, UBND TP. Biên Hòa có văn bản thực hiện theo văn bản mà bà Thanh ký đề nghị, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” những sai phạm
Dự án Khu DCTMDV tại xã Phước Tân, huyện Long Thành có diện tích 83 hécta và được điều chỉnh tăng lên 91,75 hécta do nắn tuyến đường Long Hưng - Phước Tân. Dự án được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương vào năm 2012 và giao cho Công ty TNHH Cường Hưng đầu tư dự án tuyến đường Long Hưng - Phước Tân. Hiện dự án mới triển khai san lấp, nhưng chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý để thực hiện.
Khu dân cư thương mại Phước Tân có diện tích 91,7 hécta, Công ty Cường (ông Đỗ Tịnh làm Chủ tịch HĐTV)
Qua công tác thanh tra, TTCP đã có kết luận về sai phạm của Công ty Cường Hưng, trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là vai trò của bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai, các sở, ngành liên quan có biểu hiện buông lỏng quản lý dẫn đến các tồn tại, sai phạm từ quá trình chuẩn bị đến đầu tư dự án, việc chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng, thẩm tra năng lực tài chính, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... Ngoài ra, việc triển khai dự án của Công ty Cường Hưng còn nhiều sai phạm trong chấp hành quy định về xây dựng, chế độ kế toán, quản trị doanh nghiệp.
Theo TTCP, để ra sai phạm của Công ty Cường Hưng, một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm trong việc tham mưu và trực tiếp là trách nhiệm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, thời điểm giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh. Giai đoạn này, bà Thanh là người ký các văn bản hành chính của tỉnh có giá trị pháp lý cao nhất.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, chưa kiểm tra, xử lý những văn bản thuộc lĩnh vực mình phụ trách, ký ban hành, nhưng phó chủ tịch khác đã ký (cụ thể là bà Thanh) là thực hiện chưa tốt nhiệm vụ được phân công. Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, chịu liên đới những sai phạm của cấp dưới, thiếu sót trong quản lý nhà nước về việc thực hiện dự án do Công ty Cường Hưng làm chủ đầu tư.
TTCP cũng chỉ ra, thời kỳ làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Thanh ký quyết định cho phép đầu tư dự án chưa đúng quy định pháp luật, ký văn bản báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng chưa đúng sự thật, chưa đúng tiến độ thực hiện dự án, ký văn bản cho phép Công ty Cường Hưng được tính chi phí xây lắp tuyến đường vào chi phí hợp lý của dự án Khu dân cư là chưa đúng với chủ trương chung của tỉnh.
Ngoài ra, bà Thanh cùng với chồng một số lần tham gia trực tiếp điều hành công ty là vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng, vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nội quy, quy chế làm việc của UBND tỉnh.
Khu mỏ đá đứng tên HTX An Phát, do ông Đỗ Tịnh (chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh) đứng tên, có diện tích gần 100 hécta
TTCP đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai bãi bỏ các văn bản trái quy định, xử lý toàn bộ các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu giả mạo của Công ty Cường Hưng. Tạm dừng các hoạt động về đầu tư xây dựng cơ bản, san lấp mặt bằng, kinh doanh bến thủy nội địa tại dự án Khu DCTMDV của Công ty Cường Hưng đến khi hoàn tất các thủ pháp lý.
Trước đó, tại kỳ họp 23 Ủy ban Kiểm tra (UBKT) do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã kết luận: “UBKT Trung ương xét thấy, những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, đến mức phải tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật”.
Lê Kiên - Hải Dương