Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, qua rà soát, Bộ đã đưa ra khỏi Luật 13 hàng hóa, dịch vụ và bổ sung 04 mặt hàng gồm: Sách giáo khoa; dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và giao cho đơn vị khai thác; hàng hóa, dịch vụ phục vụ quốc phòng an ninh; dịch vụ vận chuyển phân phối khí thiên nhiên.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng: “Nếu quy định cứng trong Luật thì mỗi lần thay đổi sẽ rất phức tạp. Ví dụ trong vấn đề sách giáo khoa, chúng ta thay đổi cơ chế độc quyền sách giáo khoa, cho phép một số nhà xuất bản thực hiện việc này, chúng ta lại giao quyền quyết định mua sách giáo khoa cho Sở Giáo dục và Đào tạo ở các tỉnh thành thì rõ ràng thị trường đã thay đổi cơ bản về cung cầu. Nhưng rõ ràng chúng ta không đưa nó vào danh mục thẩm định giá, dẫn đến hệ lụy cho hàng chục triệu hộ gia đình”.
Đối với biện pháp định giá, việc phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm định giá còn chưa rõ, thiếu đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực. Một số trường hợp quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện định giá cụ thể là không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, rất khó xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tham mưu.
Hệ thống phương pháp định giá còn phân tán, chưa quy định rõ việc áp dụng phương pháp định giá chung và phương pháp định giá chuyên ngành. Các hình thức định giá cần phải kiện toàn để đáp ứng những phát sinh trong thực tiễn.
Để khắc phục những vướng mắc này, dự thảo Luật Giá sửa đổi đã quy định hai nhóm phương pháp ứng với từng trường hợp cụ thể tại Điều 24. Một là, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Hai là, trường hợp Luật khác có quy định về phương pháp định giá chuyên ngành, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành phương pháp riêng (ví dụ như giá đất; giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục; tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan...). Bên cạnh đó, thể chế hóa việc áp dụng giá tham chiếu để làm cơ sở cho việc xác định giá một số hàng hóa, dịch vụ theo nguyên tắc thị trường.
Trong lĩnh vực y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết, với các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh như hiện nay, một cơ sở có thể có 3 loại giá dịch vụ y tế, áp dụng cho 3 đối tượng do thẩm quyền quy định khác nhau.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y Tế Lê Thành Công "đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành giá thống nhất trên toàn quốc, không ban hành khung giá như dự thảo Luật, tránh tình trạng 63 địa phương có 63 giá khác nhau".
Đối với hàng hóa, dịch vụ như thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động, phục vụ công tác chuyên môn (như khám chữa bệnh, kiểm định, kiểm nghiệm) cũng như các hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực khác, Bộ Y tế đề nghị thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo thị trường (do thị trường định giá, điều chỉnh giá) nhưng có sự quản lý của Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch về giá, niêm yết giá và trường hợp nếu giá cả biến động bất thường thì nhà nước tiến hành kiểm tra các yếu tố hình thành giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Đối với mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế này do tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân nên cần thiết bổ sung nội dung: “Giao Chính phủ ban hành danh mục cụ thể các thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị thiết yếu cần phải do Nhà nước quản lý giá (bình ổn giá, kê khai, đăng ký giá…) và căn cứ vào diễn biến thị trường từng thời điểm cụ thể, tình hình dịch bệnh thì có thể điều chỉnh danh mục này để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Sửa đổi Luật Giá phải đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh xung đột với các luật khác; đáp ứng nguyên tắc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đảm bảo bao quát, thuận lợi cho công tác điều hành giá; phải tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn về quản lý giá, bình ổn giá, kế thừa phát huy, hoàn thiện quy định của Luật Giá hiện hành, tháo gỡ các bất cập, khó khăn thực tiễn, rà soát các quy định thật rõ ràng, chặt chẽ đối với 9 nhóm chính sách đề nghị sửa đổi, bổ sung."
Lê Xuân (t/h)