Thị trường có dấu hiệu “ấm” hơn

Theo báo cáo của NetCredit, giá một căn nhà chung cư tại nội thành Hà Nội vẫn tiếp tục giữ mức tăng lên đến 77%. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý IV/2023, giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng gia tăng tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, đặc biệt là các khu vực trung tâm.

Giám đốc Chiến lược Batdongsan.com.vn Lê Bảo Long cho rằng: “Giá BĐS đã không ngừng tăng và ngày càng bỏ xa thu nhập của người dân. Trong đó, chỉ số tăng giá chung cư TP. Hồ Chí Minh đã vượt tốc độ tăng thu nhập của người dân sau 8 năm (từ năm 2015 đến nay, tăng 82%). Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập của người dân khu vực thành thị chỉ tăng 39%. Lệch pha cung - cầu ngày càng nghiêm trọng, đẩy giá BĐS, đặc biệt là phân khúc căn hộ, liên tục thiết lập mặt bằng giá neo ở mức cao, vượt xa khả năng chi trả của những người có nhu cầu thiết thực về nhà ở”.

Bất chấp xu hướng tăng giá BĐS, nhu cầu tìm mua và sở hữu một nơi an cư của người dân vẫn rất cao. Dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn, 2 tháng đầu năm 2024, các giao dịch BĐS đã nhanh chóng tăng trở lại và giữ nhịp tăng mạnh. Đáng chú ý, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đất nền và đất dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh hơn cả chung cư. Riêng trong tháng 1/2024, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng 110%, đất dự án tăng 77% so cùng kỳ năm trước. Lượng tìm kiếm chung cư Hà Nội tăng 71%; TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm kiếm tăng 71 - 73% đối với đất nền, đất dự án và chỉ tăng 59% đối với chung cư. 

Báo cáo chỉ số về tâm lý người tiêu dùng BĐS của Batdongsan.com.vn nửa đầu năm 2023 chỉ ra: Có đến 65% số người được hỏi có dự định mua BĐS trong 1 năm tới. Trong đó, tỷ trọng mua để đầu tư chiếm 60% và đất nền vẫn là loại hình được người mua tương lai quan tâm nhiều nhất. Chỉ số tâm lý thị trường BĐS những tháng đầu năm 2024 cũng tăng. Chỉ số này tăng lên, nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá BĐS, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.

Thị trường bất động sản 2024 đón nhận sự hồi phục tích cực
Thị trường bất động sản 2024 đón nhận sự hồi phục tích cực

Về tình hình kinh doanh BĐS, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 552 DN BĐS thành lập mới, bằng 100,4% so cùng kỳ 2023; số quay trở lại hoạt động là 843 DN, bằng 138,7% so cùng kỳ. 

Thực tế, các nhà môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư BĐS, ngay từ đầu năm đã khởi động sớm các chiến dịch kinh doanh để không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng. Theo đại diện nhiều DN kinh doanh BĐS, số lượng giao dịch BĐS tăng từ đầu năm, nhất là sau Tết Nguyên đán, tập trung chủ yếu vào những sản phẩm có pháp lý chuẩn, dưới 2 tỷ đồng, bán kính khoảng 60 km từ trung tâm các đô thị.

Các chuyên gia nhận định, nhiều chủ đầu tư đang quyết tâm đẩy hàng sớm trong năm 2024. Dự báo, nguồn cung mới trên thị trường BĐS đang cải thiện, góp phần giúp thị trường phục hồi nhanh.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, từ nửa cuối năm 2022 đến hết quý I/2023 - là giai đoạn rất khó khăn của thị trường BĐS cả nước. Đến 2 tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất.

Với đà phục hồi này, Hiệp hội nhận định, thị trường BĐS sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững - kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn...

Nhiều động lực cho sự phục hồi

Phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại từ quý III/2023. Trong đó, nguồn cung BĐS trong quý III tăng trưởng rõ rệt so quý trước, cả về số lượng dự án hoàn thành, dự án đủ điều kiện mở bán…

Theo ông Nghị, các dấu hiệu tích cực của thị trường BĐS và kết quả triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội - đặt ra kỳ vọng thị trường dần phục hồi và phát triển trở lại trong năm nay.

Các chuyên gia nhìn nhận, 2024 sẽ là năm bản lề cho sự hồi phục của thị trường BĐS với nhiều động lực. Theo đó, có 3 động lực sẽ giúp thị trường hồi phục và tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm nay.

Trước hết đó là việc sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan đến việc tháo gỡ “vướng mắc về pháp lý”, khó khăn cho hàng loạt dự án BĐS. Các cải cách hành chính vẫn sẽ được thúc đẩy, góp phần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chính phủ - thời gian qua liên tục tung ra những chỉ đạo quan trọng để ổn định, hồi phục và phát triển BĐS như Nghị quyết số 1435, Nghị quyết số 33…

Thứ hai, hệ thống ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động về quanh vùng 5%/năm, lãi suất cho vay mua nhà cũng giảm theo. Đối với kỳ hạn ngắn, không chỉ áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5 - 10,5%/năm, các nhà băng còn kéo dài ưu đãi lãi suất cố định lên tới 3 năm.

Thứ ba, nhờ sự hồi phục rõ nét của nền kinh tế, các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư. Hơn nữa, nhu cầu và khả năng chi trả của người dân ngày càng gia tăng.

Mặt khác, phía các DN BĐS cũng chủ động đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo lực đẩy cộng hưởng đưa thị trường quay lại chu kỳ phát triển mới. Từ cuối năm 2023, các chủ đầu tư lần lượt tung chiêu kích cầu bằng nhiều giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mô hình kinh doanh năng động, đặc biệt là đưa ra nhiều chính sách trả chậm khá hấp dẫn. Đơn cử, chính sách hỗ trợ khách, chỉ cần thanh toán 30% được chia nhỏ thành nhiều đợt đến khi nhận nhà hay tăng mức chiết khấu...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải: “Thị trường BĐS 2024 sẽ có 2 điểm sáng: BĐS công nghiệp, nguồn vốn đầu tư FDI lớn, trong khi giá thuê tăng cao; nhà ở giá vừa phải và nhà ở xã hội khi có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công. Chính phủ đặt chỉ tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội năm 2024, vì thế, đây sẽ là phân khúc nhà ở có nhiều nguồn cung trong năm”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) khuyến nghị, các DN kinh doanh BĐS cần tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm, dồn trọng tâm vào các dự án khả thi, đáp ứng được cả nhu cầu và khả năng tài chính của người dân; hạn chế phát triển sản phẩm phục vụ đầu tư, ưu tiên phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thật; nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi hấp dẫn, thiết thực dành cho cả khách hàng/nhà đầu tư, cũng như các đơn vị phân phối, môi giới BĐS; tinh gọn quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ và các giải pháp nhằm giảm giá bán BĐS.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM Lê Hoàng Châu thì cho rằng, DN BĐS cần có ngay hành động cụ thể, thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, không giữ giá cao; tăng cường chiết khấu, chính sách khuyến mãi, hậu mãi, kích cầu tiêu dùng trên thị trường BĐS để tạo dòng tiền và thanh khoản. Các tập đoàn, DN BĐS cũng cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân, giá vừa túi tiền, phù hợp với thu nhập của người dân, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường hồi phục nhanh, bền vững.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực  nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, các DN BĐS cần thể hiện quyết tâm hơn trong việc cơ cấu lại các phân khúc, chấp nhận giảm giá bán và đa dạng hóa nguồn vốn để giảm bớt rủi ro; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải…

Trúc Mai