Trong tháng 5 vừa qua, kịm ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 26 tỷ USD, tăng 35,6% so với năm 2020. Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2021 ước đạt 34,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa
Về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng bằng 28,7% kế hoạch năm tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch năm và tăng 21,4% so với năm 2020; vốn địa phương quản lý đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch của năm và tăng 13%.
Về vốn đầu tư của nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ước đạt 14 tỷ USD (tính đến ngày 20/5), tăng 0,8% so với năm 2020.
Thời điểm hiện tại, xoài tượng da xanh ở huyện Yên Châu (Sơn La) đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, huyện Yên Châu đã có phương án để phát triển thị trường là cho doanh nghiệp trực tiếp đứng ra thu mua và tiêu thụ xoài tượng tại tất cả các xã trên địa bàn huyện.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu), cho biết HTX đang liên kết với doanh nghiệp, mỗi ngày thu mua hàng chục tấn xoài cho tất các xã trên địa bàn huyện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Người dân trồng xoài cũng đảm bảo duy trì và thực hiện tốt các quy trình sản xuất để giữ vững thương hiệu.
Cùng với nông sản, dệt may cũng có những bước tiến rõ rệt. Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, đối thủ cạnh tranh lớn của ngành dệt may Việt Nam là Ấn Độ đang chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19; chính vì vậy, các doanh nghiệp quốc tế chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam.
Ngoài việc giữ vững “phong độ” trên thương trường, các ngành hàng quan trọng như: điện tử, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị, nông sản,… cũng cần phải nắm bắt được xu hướng thị trường. Để đạt được xuất khẩu bền vững bền vững thì việc nắm được tín hiệu của thị trường rất quan trọng. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trong thời gian tới các ngành xuất khẩu, đặc biệt là nông nghiệp cần phải tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do, trong đó tập trung vào các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc tạo được nguồn hàng ổn định cho XK là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng giảm bớt các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, ít tác động tới môi trường, giảm phát thải.
Đồng quan điểm trên, Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến của dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Đồng thời, đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ tổ chức giúp các doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới; cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường cũng như xúc tiến thương mại nhằm tận dụng tốt cơ hội phục hồi nền kinh tế.
Huyền Cao