Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện mục tiêu kép phải tỉnh táo, biết cách làm phù hợp
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu:
Trong thời gian qua, chúng ta đã bình tĩnh, cương quyết thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời, từ Trung ương đến địa phương, nên cơ bản đã xử lý có kết quả tình hình dịch bệnh.
Những ngày qua, ngành y tế, Ban chỉ đạo quốc gia, các lực lượng chức năng, đặc biệt là các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên cho đến các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đều rất cố gắng. Nhiều nhà tài trợ, nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau với một tinh thần rất đáng được trân trọng.
Đặc biệt, trên 300 cán bộ y tế được tăng cường Quảng Nam, hàng trăm sinh viên được tăng cường ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác.
Nhiều bài học được rút ra, đúc kết thành các từ khóa hay công thức như: Phát hiện nhanh, cách ly nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, đơn cử như ở Hà Nội hay TP. Đà Nẵng xét nghiệm diện rộng trên 10.000 ca một ngày.
Bộ Y tế cần tiếp tục phát huy việc điều phối hiệu quả và đặc biệt hỗ trợ kịp thời các phương tiện, năng lực xét nghiệm và vật tư, nhân lực, chuyên môn cho địa phương.
Thủ tướng lưu ý, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các bộ tiêu chí an toàn, không được phép lơ là, chủ quan để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế.
Trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, đặc biệt đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế, lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ chống dịch, không để lây nhiễm chéo.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất phải tự đánh giá tiêu chí an toàn. Các bệnh viện, các khu công nghiệp phải rất chặt chẽ trong việc giám sát y tế, phòng dịch.
Nhấn mạnh chủ trương vận động người dân cài đặt các ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng đánh giá cao kết quả trong thời gian ngắn, đến nay đã có hơn 16 triệu cài đặt ứng dụng Bluezone. Đây là tốc độ nhanh, cần tiếp tục đẩy mạnh. Truyền thông từ Trung ương, địa phương phải nâng cao ý thức cho người dân không chủ quan, luôn cảnh giác trước dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị ngành y tế: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế ở tất cả cơ sở y tế, nên có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19.
Không để bệnh nhân đi lang thang hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài ở một bệnh viện. Các các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp thì phải kiểm tra ngay để xử lý.
Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đối với các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, bệnh lý mãn tính khác.
Từ kinh nghiệm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị các địa phương thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ, báo y tế kiểm tra, đặc biệt, cần triển khai mạnh ở các địa phương có ca nhiễm.
Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng nghiên cứu, đề xuất khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới.
Từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đề cao phòng, chống dịch bệnh, điều này nhất quyết không được chủ quan, mất cảnh giác nhưng việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng, không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân.
“Đây là bài toán vô cùng khó trong lãnh đạo, chỉ đạo, các đồng chí phải tỉnh táo, phải biết cách làm phù hợp, không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động để tê liệt”.
“Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, đề cao cảnh giác nhưng mà đừng để ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân”..., Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyễn Kiên