Một góc trung tâm thành phố Huế
Một góc trung tâm thành phố Huế.

 Trong đó yêu cầu chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương phải là doanh nghiệp mang tầm quốc tế có Công ty mẹ có chuỗi trung tâm thương mại đang hoạt động ở các nước trên thế giới, có công trình tại Việt Nam và cam kết có chuỗi cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và nhà đầu tư.  

Cụ thể, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp bao gồm: dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi cho trẻ em (không bao gồm trò chơi điện tử có thưởng) và cho thuê các quầy, kệ bán hàng, không gian bán hàng đã được đầu tư hoàn thiện, xây dựng, lắp đặt, trang trí,… Thuê và cho thuê lại mặt bằng, nhà kho, hội trường và các hạng mục khác trong trung tâm thương mại. Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu, quyền phân phối bán buôn (không lập cơ sở bán buôn) và quyền phân phối bán lẻ (không lập cơ sở bán lẻ) các hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam,...

Quy mô dự án có tổng diện tích khoảng 86.216m2; mật độ xây dựng: ≤ 60%; tầng cao công trình: ≤ 60m (dự kiến khoảng 8 tầng); diện tích sàn xây dựng khoảng 413.837 m 2 ; hệ số sử dụng đất tối đa 6,0 lần.

Toà nhà Vincom 39 tầng cao nhất TP Huế hiện nay
Toà nhà Vincom 39 tầng cao nhất TP Huế hiện nay.

 Vốn đầu tư của dự án tối thiểu 3.916 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến 23 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa (trong đó việc khởi công xây dựng Trung tâm thương mại là 12 tháng kể từ bàn giao đất trên thực địa).

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, dự án được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành. Hình thức cho thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Đồng thời để chống tình trạng “đắp chiếu” như một số dự án khác trên địa bàn thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn có nhiều điều kiện ràng buộc với nhà đầu tư như phải chứng minh năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án của mình như: Phải có hợp đồng với đối tác khác thuộc Công ty mẹ có chuỗi trung tâm thương mại đang hoạt động ở các nước trên thế giới, đã đầu tư và có kinh nghiệm quản lý vận hành dự án có thương hiệu quốc tế đang hoạt động trong nước, trong đó, tối thiểu có 02 dự án có tổng vốn đầu tư trên 3.900 tỷ đồng;  Có phương án về quy hoạch và kiến trúc thể hiện quy mô của dự án;  Có văn bản cam kết của Hội đồng quản trị Công ty nếu sau 12 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa, nhà đầu tư chưa khởi công thì UBND tỉnh quyết định thu hồi dự án, tiền ký quỹ và Nhà đầu tư không có quyền khiếu kiện, khiếu nại…. Thời gian xây dựng hoàn thiện công trình, đưa dự án vào hoạt động không quá 24 tháng, nếu vi phạm, UBND tỉnh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Mô hình Toà cao ốc, trung tâm thương mại Gold Land đường Đống Đa- Lý Thường Kiệt đang trong quá trình hoàn thiện
Mô hình Toà cao ốc, trung tâm thương mại Gold Land đường Đống Đa- Lý Thường Kiệt đang trong quá trình hoàn thiện.

 Được biết, thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương từ nay đến ngày 28/6/2021 và giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế phối hợp với các cơ quan có liên quan đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư quan tâm đáp ứng yêu cầu, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình chấp thuận theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trần Minh Tích