‘Thượng đế’ khóc ròng khi mua hàng qua mạng - Hình 1

                 Hình ảnh quảng cáo đẹp lung linh, nhưng khi nhận hàng người mua vô cùng thất vọng (Ảnh minh họa)

“Thượng đế” cay đắng khi nhận hàng…!

Anh Hồng Điệp (ngụ Đồng Nai) cho biết, cuối tháng 7/2018, sau khi thấy quảng cáo, anh đặt mua 2 cái đồng hồ thông minh cho con mình. Bên trong đồng hồ có thẻ bảo hành của Trung tâm Mua sắm Viper (đường số 6, quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Đến ngày 1/8, sản phẩm được giao đến tận nơi. Thế nhưng, sau khi nhận sản phẩm thì ngày nào đồng hồ thông minh cũng phải sạc pin mới hoạt động được. Sau vài ngày sử dụng, hai chiếc đồng hồ của con anh Điệp bỗng dưng tắt ngấm, bật không lên và sạc cũng không vào pin. Theo tấm thẻ bảo hành, anh Điệp liên lạc để được sửa chữa nhiều lần nhưng chỉ được hẹn trả lời vào lần khác. Và sau đó, anh không nhận được hồi âm.

“Sau một thời gian, tôi liên lạc được thì họ cho biết đã hết thời hạn bảo hành. Xem lại cái thẻ bảo hành thì chỉ có 1 tháng. Đây chẳng khác nào hành động lừa đảo, họ cố tình ngâm không trả lời cho đến khi hết hạn để không phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Thậm chí họ còn thách thức muốn làm gì thì làm…!” - anh Điệp cho biết.

Ngoài trường hợp của anh Điệp, hiện nay tình trạng mua hàng online khiến không ít “thượng đế” phải ngậm quả “đắng” khi sản phẩm được quảng cáo “lung linh”, nhưng khi nhận hàng lại là một thực tế khác.

Chị Thu Hà (ngụ quận 10) cho biết, vốn thích quần áo, khi thấy quảng cáo qua mạng kèm theo những thông tin về sản phẩm và chương trình khuyến mãi, chị liền đặt mua một váy ôm với giá gần 500 ngàn đồng. Thế nhưng, khi bóc hộp sản phẩm chị tá hỏa về chất liệu và màu của váy không giống như quảng cáo.

“Lúc này, tôi yêu cầu đổi trả thì người bán tìm cách lơ đi. Sau một thời gian thì người bán im luôn. Nghĩ không đáng bao nhiêu, tôi cũng không truy xét và xem đây như một bài học khi mua hàng. Từ đó về sau tôi chỉ ra cửa hàng để chọn đồ…” - chị Hà chia sẻ.

‘Thượng đế’ khóc ròng khi mua hàng qua mạng - Hình 2

Chiếc đồng hồ thông minh anh Điệp mua cho con mình

Cảnh báo của Cục Quản lý cạnh tranh

Trả lời báo chí, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) từng đưa ra 6 cảnh báo dành cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến. Đó là nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…).

Ngoài ra cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…

Cũng theo ông Mừng, người mua hàng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Đồng thời cũng cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh…Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.

Tương tự, cũng cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty. Theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa...

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng có thể liên hệ tới cơ quan quản lý Nhà nước để được hỗ trợ, tư vấn như sở công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước, hoặc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương (tổng đài 1800.6838).

‘Thượng đế’ khóc ròng khi mua hàng qua mạng - Hình 3

Quảng cáo một đường nhưng sản phẩm thực tế một nẻo… (Ảnh minh họa)

Theo nguoitieudung.vn (Tiêu đề do báo THCl đặt lại)