Cú hích hạ tầng, vị trí… sẽ nâng tầm bất động sản Tây Ninh

Trả lời báo chí hồi đầu năm 2024, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, địa phương xác định giao thông là ngành phải đi trước, mở đường để các ngành kinh tế khác phát triển. Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn của ngân sách tỉnh dành cho thi công trung hạn là 20.000 tỷ đồng nhưng tỉnh đã dành riêng cho giao thông là 6.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tháng 8/2024, Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ nay tới năm 2027. Dự án có tổng vốn đầu tư 19.600 tỷ đồng, chiều dài gần 51km, điểm đầu giao Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP. HCM; điểm cuối nối quốc lộ 22, huyện Bến Cầu, Tây Ninh.

Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ nay tới năm 2027
Dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ nay tới năm 2027

Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TP. HCM với Campuchia, giảm tải cho quốc lộ 22. Đây cũng là tuyến ngắn nhất kết nối TP. HCM với Campuchia thông qua cửa khẩu Mộc Bài, đồng bộ với tuyến cao tốc Campuchia, tăng khả năng thông thương, du lịch.

Ngoài cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, những tuyến giao thông khác cũng được địa phương đầu tư, như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Châu Thành - Đức Hòa, đoạn qua địa bàn Tây Ninh khoảng 20 km với quy mô đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng…

Ngoài hạ tầng giao thông, một trong những điểm sáng của thị trường Tây Ninh là hệ thống khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, là nơi tọa lạc và đặt nhà máy sản xuất của nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước.

Tây Ninh là nơi toạ lạc của nhiều hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Tây Ninh là nơi toạ lạc của nhiều hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Hồi đầu năm nay, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh, với tổng vốn 2.350 tỷ đồng, quy mô 495 ha. Đây là một trong 10 KCN nằm trong quy hoạch KCN tỉnh Tây Ninh đến năm 2030.

Theo quy hoạch, tỉnh Tây Ninh sẽ dành hơn 8.317 ha để phát triển KCN, tăng tỉ lệ lấp đầy, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI vào các ngành thế mạnh như chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến thức ăn chăn nuôi…

Tây Ninh còn cho thấy tiềm năng phát triển du lịch, với địa điểm du lịch Núi Bà Đen nổi tiếng thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan mỗi năm. Đồng thời, Thánh thất Tây Ninh, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Chùa Thái Sơn núi Cậu… là những địa điểm văn hoá, lịch sử nổi tiếng giúp địa phương giáp ranh TP.HCM về phía Tây phát triển du lịch.

Các chuyên gia cho rằng, hạ tầng giao thông đồng bộ, KCN được đầu tư bài bản, cùng những địa điểm du lịch đặc sắc… là những yếu tố kết nối và tương hỗ, giúp nâng tầm thị trường bất động sản Tây Ninh, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.

Các dự án nhà ở xã hội hưởng lợi

Vào cuối tháng 9/2024, HĐND tỉnh Tây Ninh cũng đã thông qua nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn.

Theo nghị quyết, tỉnh Tây Ninh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, bao gồm: Hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống quản lý chất thải rắn, hệ thống vệ sinh công cộng (trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong tòa nhà) nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.

Một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Tây Ninh
Một dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Tây Ninh

Theo ông Nguyễn Nam Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, địa phương dự kiến dành tổng kinh phí hỗ trợ tối đa khoảng trên 163 tỷ đồng trích từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách cấp tỉnh để xây dựng NƠXH cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.

Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Thủ tướng giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 đạt 11.900 căn; giai đoạn 2022-2025 là 5.000 căn và giai đoạn 2026-2030 là 6.900 căn.

Đến nay, tỉnh Tây Ninh đã triển khai xây dựng và hoàn thành được 2.098/5.000 căn (đạt 41,96%) so với mục tiêu được giao trong giai đoạn 2021-2025.

Tính đến quý 2/2024, toàn tỉnh có khoảng 132.000 công nhân đang làm việc tại các KCN cần được hỗ trợ, trong đó có NƠXH. Riêng nhóm người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN đã cung ứng khoảng 3.737 căn (phát triển theo dự án) và 1.842 khu nhà trọ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng (khoảng 15.222 phòng) phục vụ cho khoảng 80.800/132.000 công nhân đang làm việc tại các KCN.

Sở hữu cú hích về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông… cùng với đó được hưởng lợi từ Đề án của Chính phủ, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh, các dự án NƠXH địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ có tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Nổi lên trong trong số đó có thể kể đến dự án NƠXH Golden City thuộc Tập đoàn Hoàng Quân. Dự án toạ lạc tại trung tâm TP. Tây Ninh, kết nối với nhiều hệ thống tiện ích như: Trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh…

Đại diện Tập đoàn Hoàng Quân chia sẻ: “Hoàng Quân luôn mang đến chất lượng sống tốt, với tiêu chuẩn E.S.H.C cho nhà ở xã hội với sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như thân thiện với môi trường (Eco-Friendly), công nghệ thông minh (Smart Technology), phát triển sức khỏe thể chất (Health and Wellness) và có sự gắn kết cộng đồng thông qua các tiện ích chung (Community-Centric).

Với bộ tiêu chuẩn này, Hoàng Quân hứa hẹn mang đến cho cư dân một chất lượng sống xanh, ngay tại dự án Golden City của tập đoàn Hoàng Quân, mang đến trải nghiệm sống chuẩn mực, đẳng cấp ngay trung tâm TP. Tây Ninh, trong tầm giá phù hợp”.

Sông Trường