Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các đơn vị cần lồng ghép giám sát đậu mùa khỉ với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế, bao gồm cả phòng khám phụ khoa, da liễu và cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ liên quan.

bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện những nốt phát ban
Bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng là những nốt phát ban

Các đơn vị rà soát, cập nhật kế hoạch và kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với từng tình huống có thể xảy ra. Điều này bao gồm việc chuẩn bị sẵn sàng về thuốc, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt là nhắm đến các đối tượng có nguy cơ cao.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần nhận biết các triệu chứng nghi ngờ của bệnh đậu mùa khỉ như: Phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ mà không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...), kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như: Đau đầu, sốt (>38,50C), nổi hạch, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi.

Ngoài ra, trong vòng 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, nếu có tiếp xúc với người bị bệnh xác định hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hoặc có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, người dân cần hết sức lưu ý. Các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo bao gồm: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn và không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Người dân có triệu chứng phát ban cấp tính kèm theo các dấu hiệu nghi ngờ nên chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và theo dõi. Người dân cần tự cách ly và tránh quan hệ tình dục cho đến khi có chẩn đoán rõ ràng.

Người dân tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, đặc biệt là tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể và đồ dùng cá nhân của người bệnh. Nếu phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh tại nơi ở hoặc nơi làm việc cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Đối với những người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh và các loài động vật có nguy cơ chứa vi-rút. Khi trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Đồng thời, mọi người cần đảm bảo an toàn thực phẩm, duy trì lối sống lành mạnh và tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe.

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể xảy ra ở một số động vật bao gồm cả con người. Các triệu chứng bắt đầu bằng sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng theo sau là phát ban hình thành mụn nước và lớp vỏ ngoài dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như bệnh thủy đậu.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có mức độ trầm trọng thấp hơn so với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp và đặc điểm cá nhân. Đối với một số đối tượng như trẻ nhỏ hoặc người suy giảm miễn dịch, khi có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, mức độ bệnh có thể nghiêm trọng hơn. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng lưu ý rằng nguy cơ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ không cao, với chỉ khoảng 10% bệnh nhân tại Trung Phi tử vong và hiện chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào ngoài Châu Phi. Tuy nhiên, việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh vẫn rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus đậu mùa khỉ.

L.T ( t/h)