Theo đó, từ cuối năm 2022 đến nay đã có trên 28.000 lao động bị ảnh hưởng (trên 3.200 lao động mất việc, trên 4.700 lao động phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, trên 19.000 lao động phải giảm, giãn giờ làm, dẫn đến giảm thu nhập (chủ yếu là ngành may mặc, giày da, thủy sản), cùng với đó là nhiều lao động của tỉnh đi làm việc ở tỉnh khác mất việc làm quay về tỉnh; số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay khoảng 13.000 người (số cao nhất từ trước đến nay); do đó, cuộc sống người lao động gặp nhiều khó khăn, đặt ra yêu cầu cấp bách giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Nghị quyết số 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH xác định công tác giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động là nhiệm vụ hàng đầu của ngành;
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành, thị rà soát nắm bắt tình hình lao động mất việc, tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối việc làm và tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài (hiện nay đã liên kết với 30 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài); triển khai Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã giải quyết việc làm cho khoảng trên 7.500/16.000 lao động (đạt khoảng 47% so với kế hoạch năm), trong đó từ hoạt động cho vay giải quyết việc làm trên 2.600 người; đã tổ chức 25 phiên giao dịch, ngày hội việc làm ở tỉnh và các huyện, thành, thị, thu hút trên 4.500 người lao động, học sinh, sinh viên và các đoàn thể, hội viên, đoàn viên tham gia; có trên 1.200 người được tuyển dụng.
Trong tháng 7/2023, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức Ngày hội việc làm cấp tỉnh; các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phước và thị xã Cai Lậy, tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, các địa phương còn lại đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Đến nay, tổng số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài là 249 người, đạt 83% kế hoạch năm (trong đó Nhật Bản là 214 người), dự kiến cuối năm 2023 có 400 người tham gia đạt 133% kế hoạch.
“Nguyên nhân người lao động nghỉ việc đăng ký thất nghiệp nhiều là do giờ làm bị giảm, thu nhập giảm, thời gian kéo dài qua nhiều tháng nên nghỉ việc để tìm cơ hội việc làm khác; tình hình khó khăn hiện nay là vẫn có doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhưng số lượng không nhiều, không đa dạng công việc (do nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiếu đơn hàng phải giảm công nhân, giảm giờ làm), bên cạnh đó, người lao động trước mắt hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc quay trở lại thị trường lao động ngay. Chính vì vậy, việc kết nối việc làm được quan tâm đẩy mạnh và thực hiện nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nhưng còn gặp nhiều khó khăn”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin thêm.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở LĐ-TB&XH sẽ bám sát các chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện các giải pháp, như:
Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê tình hình lao động mất việc làm, nhu cầu việc làm của người lao động, nhu cầu lao động của doanh nghiệp; kịp thời tham mưu các chính sách phù hợp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp;
Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm, các địa phương tổ chức tuyên truyền, kết nối việc làm, trong đó tập trung giải quyết việc làm cho người đăng ký thất nghiệp để quay lại thị trường lao động;
Tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó phát triển các mô hình sản xuất, hỗ trợ đào tạo giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm mang tính bền vững.
PV