Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, chủ trương xã hội hóa phát triển rừng, giảm áp lực bảo vệ rừng cho Nhà nước, đang bị lợi dụng?
Xã hội hóa quản lý bảo vệ rừng ồ ạt?
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông - lâm nghiệp đối với 5 tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh đã tổ chức triển khai một số nội dung như rà soát, đo đạc lại đất đai, xác định ranh giới chuẩn bị cắm mốc, xác định lại giá trị tài sản, rà soát công nợ; xây dựng phương án sử dụng đất, phương án sản xuất kinh doanh... trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổng số rà soát, đánh giá 565 dự án với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 214.153 ha.
Cây bị “hạ” trong Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (Đắk Lắk)
Hiện DNNN quản lý 920.242 ha rường: Kon Tum 229.732 ha, Gia Lai 156.286 ha, Đăk Lăk 210.291 ha, Đăk Nông 152.424 ha, Lâm Đồng 171.509.
Trong đó, có 31/38 công ty được phê duyệt hình thức duy trì mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, đang triển khai tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; 7/9 công ty được phê duyệt hình thức chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH HTV trở lên, đang phối hợp với các đối tác xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; 1 công ty đã hoàn tất hồ sơ chuyển thành ban quản lý rừng; 6 công ty phải giải thể đã có quyết định của UBND tỉnh, đang xây dựng phương án giải thể.
Từ khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên vào năm 2009, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho trên 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…) trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 215.720 ha.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã cho 90 DN trong và ngoài tỉnh vào khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su và một số loại cây nông lâm nghiệp khác.
Tỉnh Gia Lai, các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, có 220 dự án với tổng diện tích 114.729 ha; trong đó, đất rừng tự nhiên nghèo kiệt 93.511 ha, đất rừng trồng 122 ha và đất không có rừng 21.096 ha. Diện tích cao su trồng được 73.131 ha (diện tích sinh trưởng phát triển tốt 63.437 ha, chiếm 86,74%; diện tích bị chết, sinh trưởng kém 9.694 ha, chiếm 13,26%).
Tỉnh Đắk Nông, đã giao 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâ- m nghiệp trên địa bàn cho các DN với tổng diện tích rừng hơn 31.600 ha, trong đó có hơn 14.300 ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ.
Rừng bị tàn phá nặng nề
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN khi được giao khoanh nuôi, bảo vệ rừng, thay vì thực hiện dự án khai thác, bảo vệ và phát triển rừng thì một DN ở Tây Nguyên lại phá rừng, lấy đất bán, thậm chí còn “tiếp tay” cho việc chặt phá diện tích rừng mình được giao quản lý, bảo vệ.
Gỗ được phát hiện tại Chư Krây, thuộc Ban quản lý rừng Eba, huyện Kong Chro (Gia Lai)
Tại tỉnh Đắk Lắk, chỉ sau vài năm giao rừng cho các DN, có gần 4.800 ha rừng tự nhiên bị tàn phá, gần 8.300 ha rừng và đất rừng bị người dân lấn chiếm, xâm canh. Huyện Tuy Đức, được tỉnh giao nhiều dự án nhất (18 dự án), diện tích nhiều nhất (hơn 9.100 ha) và diện tích rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ lớn nhất (hơn 5.500 ha). Nhưng đây cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200 ha) và diện tích bị xâm canh lớn nhất (gần 3.000 ha).
Trong số này, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao quản lý là Công ty CP Kiến Trúc Mới (643,1/924,7 ha), Công ty TNHH Long Sơn (501,7/507,7 ha) và DN tư nhân Phạm Quốc (233,6/234,3 ha). Trước đó, Công ty CP XDTM Đại Hưng tổ chức phá 60 ha rừng tại dự án cải tạo, bảo vệ và phát triển rừng ở Tiểu khu 225 thuộc xã Ia R’Vê, huyện Ea Súp.
Cũng tại huyện Ea Súp, Công ty TNHH 27/7 tổ chức khai hoang trái phép 38 ha rừng trong quy hoạch trồng cao su, điều, khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Công ty CP Bảo Ngọc cũng lập dự án thuê rừng tự nhiên để quản lý bảo vệ, khi phá tới 7 ha tại các tiểu khu 235, 237 thuộc xã Ea Bung mới bị phát hiện?
Tại tỉnh Đắk Nông, trong số các DN để mất rừng, “dẫn đầu” là Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt Đắk Song. Sau khi được UBND tỉnh giao quản lý bảo vệ 993,6 ha rừng tự nhiên, công ty đã để 893,5 ha rừng bị chặt phá, mất khoảng 86,3% diện tích rừng được giao, công ty đã gửi tờ trình, đề nghị trả lại rừng cho tỉnh. Không riêng gì công ty này, nhiều DN nhận rừng, đất rừng tại huyện Tuy Đức và Đắk G’long, cũng đang muốn trả lại rừng khi rừng chỉ còn… đất trống (?!).
Công an tỉnh đã bắt tạm giam Hoàng Trọng Hiếu, Phó giám đốc Công ty TNHH Phương Linh Đắc Nông về tội hủy hoại rừng.
Theo điều tra ban đầu, dự án liên doanh phát triển rừng, trồng cao su giữa công ty này với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (DNNN thuộc tỉnh) chưa được phê duyệt, Hiếu đã thuê người san ủi trái phép hơn 39 ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 1507 thuộc huyện Tuy Đức, do Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín quản lý.
Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối ông ông Trần Quyết Tâm - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2014, ông Tâm thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng dẫn đến làm mất 76,66 ha rừng tự nhiên tại khoảnh 7, Tiểu khu 1687 và các khoảnh 5, 7, 9 - Tiểu khu 1707, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý.
Vụ chặt phá 7 ha rừng, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (Lâm Đồng) quản lý
Gia Lai, tại vùng rừng quý ở Kbang, xung quanh khu vực Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), có những công ty lâm nghiệp để mất rừng như... vô tình?
Công ty TNHH MTV Krông Pa đã mất 104 cây gỗ hương (nhóm I), nhưng không ai chịu trách nhiệm? Chính sự quản lý lỏng lẻo mà gỗ hương tiền tỷ ở rừng quý Kbang, có chủ cũng như vô chủ (!).
Tương tự, Công ty TNHH MTV Trạm Lập ở xã Sơn Lang, (Kbang, Gia Lai) cũng để mất hàng trăm cây gỗ dổi mà chưa tìm ra thủ phạm?
Còn rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội (An Khê), nhiều năm qua bị người dân ngang nhiên lấn chiếm đất rừng để trồng rừng, trồng cây nông nghiệp, nhưng không ngăn chặn xử lý kịp thời với diện tích trên 590 ha!
Tại Kon Tum, chỉ riêng Công ty TNHH Lâm nghiệp Kon Plông hiện quản lý trên 60.000 ha (trong đó Lâm trường Măng La trên 15.000 ha), ngoài việc để lâm tặc lộng hành, đơn vị này còn đang đứng trước tình trạng xâm lấn đất rừng làm rẫy và nếu không có những giải pháp quyết liệt, sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương thì xem ra, cuộc chiến giữ rừng vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Ngoài ra, trong 10 năm qua, tỉnh này đã chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 2.200 ha để xây dựng 18 dự án thủy điện, trong đó mất hơn 1.567 ha đất lâm nghiệp.
Mới đây nhất, tai Lâm Đồng, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lâm Đồng đã chính thức khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ vụ chặt phá 7 ha rừng tự nhiên, gây thiệt hại khoảng 1.400 cây gỗ với hơn 440 m3 các loại, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (Lâm Đồng) quản lý.
Điều đáng nói, khi tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết các chủ rừng đều lý giải "vì rừng rộng, người thưa nên khó giám sát hết", và "việc mất từng cây gỗ trong rừng diễn ra nhiều nơi, nhiều địa bàn nên khó giám sát phát hiện kịp thời" (?!)...
Rừng ở Tây Nguyên được ví như lá phổi xanh của cả khu vực Đông Dương. Thế nhưng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất hàng chục ngàn ha rừng. Con số đau lòng ấy - đang kêu cứu khẩn thiết...
Cần có ngay giải pháp quản lý, bảo vệ rừng một cách phù hợp để giữ “lá phổi xanh” Tây Nguyên...
Cao Diên - Hải Dương