http://thuonghieucongluan.com.vn/phu-tho-giai-bai-toan-hang-loat-ben-bai-khong-phep-hoat-dong-ram-ro-bai-1-vuong-mac-co-che-a55938.html

Đụng đâu vướng đó

Thông tư số 50 của Bộ GTVT (quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa, có hiệu lực từ 1/1/2015) phân cấp cho Sở GTVT các địa phương cấp mới và cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên cả tuyến đường thủy quốc gia, thay vì do cơ quan cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cấp như trước. Việc phân cấp này được xem là bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tăng cường vai trò quản lý của ngành chức năng địa phương đối với giao thông ĐTNĐ; tạo thuận lợi hơn cho DN, người dân.

Thế nhưng, đến nay, tại Phú Thọ, tiến độ việc cấp phép, nhất là cấp lại giấy phép cho bến đã hết hạn hoạt động triển khai rất chậm. Mới đây, Sở GTVT đã phối hợp với cơ quan liên quan tổng kiểm tra các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Đoàn đã kiểm tra 157 bến cảng tập kết vật liệu, bốc xếp hàng hóa trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Đà, trong đó có 144 bến có trong quy hoạch, 13 bến mới phát sinh, không có trong quy hoạch. Đáng chú ý trong 109 bến đang hoạt động phát hiện 52 bến không phép, 28 bến giấy phép hoạt động đã hết hạn mà chưa được cấp phép lại.

Ông Nguyễn Hùng Sơn (Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ) cho biết, vướng mắc lớn nhất trong cấp phép bến thủy hiện nay là vấn đề đất đai. Trước kia, chủ bến chỉ cần có hợp đồng thuê đất của xã, phường, nhưng theo Luật Đất đai mới (năm 2013), nếu chủ bến là DN phải được thành phố hoặc tỉnh cho thuê đất, còn hộ kinh doanh cá thể phải được cấp huyện.

Tiếp bài “Giải bài toán bến bãi hoạt động không phép” - Bài 2: Hệ lụy khôn lường - Hình 1

Dù chưa có giấy phép hoạt động bến bãi, chưa hoàn thiện thủ tục liên quan theo quy định, nhưng bến cát Tiến Cường (xã Phùng Xá, Cẩm Khê) hoạt động rầm rộ tác động xấu môi trường, cảnh quan (ảnh chụp ngày 7/4/2018)

“Thời hạn cho thuê phụ thuộc vào từng quỹ đất, dài thì từ 30 đến 49 năm, ngắn thì chỉ vài năm. Ngoài ra, Sở GTVT cũng muốn đẩy nhanh cấp phép bến thủy để tạo điều kiện cho DN, nhưng phải lấy ý kiến của các các sở, ngành liên quan như: Tài nguyên - môi trường, kế hoạch - đầu tư, đê điều, thủy lợi, xây dựng… nên dễ bị vướng mắc”, ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thường, Giám đốc công ty TNHH Thường Xuyên, nguyên nhân hiện nay bến chưa được cấp phép là do nhiều bến có từ những năm 2000, hoạt động từ trước khi có Luật Giao thông ĐTNĐ, Luật Đất đai mới. Bây giờ, chủ bến không thể tự thuê đất của người dân hoặc hợp tác xã không cho thuê đất nữa. Do đó, các chủ bến triển khai thực hiện hoàn thiện, gửi hồ sơ và đang chờ cấp có thẩm quyền giao đất, nhưng chưa biết bao giờ mới được!

Thực tế cho thấy, chỉ có một số bến chưa được cấp phép, cấp phép lại không được hoạt động hoặc đã bị đình chỉ, còn đa phần vẫn hoạt động để chờ cấp phép. Hệ lụy dẫn đến thất thu phí; kiểm soát đối với phương tiện ra vào cảng; rất khó kiểm soát nguồn gốc VLXD.

Theo ông Trần Long, Giám đốc Cảng Việt Trì, việc mở bến bãi, cảng nhỏ lẻ, không được cấp phép sẽ dẫn đến tình trạng trốn thuế, phí, làm thất thu ngân sách. Ngoài ra, các bến bãi này, cơ sở hạ tầng không được ổn định, chất lượng không tốt vì không được đầu tư bài bản, tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn xây dựng bến thủy nội địa; công tác về môi trường không được đảm bảo, nhất là trong quá trình vận chuyển, việc chấp hành về trọng tải, biện pháp bảo vệ môi trường không được chú trọng nên khi đi qua khu dân cư sẽ làm ảnh hưởng bụi, bẩn, tiếng ồn đến đời sống, sinh hoạt…

“Bến bãi không phép sẽ làm phá vỡ quy hoạch bến thủy nội địa (phá vỡ lượng hàng hóa; phá vỡ mục tiêu phát triển bến thủy nội địa hợp lý, đồng bộ, quy mô phù hợp; ảnh hưởng, phá vỡ mục tiêu xây dựng hệ thống bến hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…) trên địa bàn tỉnh”, ông Long nhấn mạnh.

Ai chịu trách nhiệm?

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bến thủy nội địa trên địa bàn đã được tỉnh Phú Thọ quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả. Hoạt động bến bãi trái phép đã từng bước được chấn chỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát cho thấy công tác quản lý, giám sát về việc mua bán, vận chuyển, tập kết cát sỏi tại các bến bãi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều bến nhỏ lẻ, năng lực bốc xếp hạn chế; bến xây dựng tạm không phù hợp với quy hoạch, xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đê điều, hành lang thoát lũ… Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 71 bến với số tiền xử phạt 585 triệu đồng. Ngoài ra, các bến bãi không phép không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào với Nhà nước, thậm chí trách nhiệm với xã hội như đảm bảo an ninh trật tự. Ngân sách thất thu, xã hội phải gánh những hệ lụy từ các bến bãi “tặc”, trong khi tiền thì chảy vào túi một vài cá nhân, gây bức xúc trong nhân dân, dư luận.

Ông Nguyễn Hùng Sơn nêu rõ, theo phân cấp quản lý, hoạt động bến bãi thuộc trách nhiệm của Sở GTVT quản lý, thanh tra Sở GTVT có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nếu có trường hợp bến bãi không phép, trái phép so với giấy cấp phép; Sở Tài chính kiểm tra về hoạt động bến bãi gây thất thu tiền, phí, thuế; Sở Xây dựng sẽ quản lý việc cấp phép xây dựng hạng mục công trình trên bến; Sở Tài nguyên Môi trường quản lý về đất đai… Dù phân cấp rõ ràng nhưng đến nay bến bãi không phép, trái phép vẫn đang tồn tại, đây là nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê, đồng thời khiến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều tiếp tục gia tăng. 

Phản ánh đến chính quyền địa phương, cơ quan báo chí, nhiều người dân bức xúc, tình trạng hút cát, vận chuyển, bến bãi tập kết ngay trên hành lang đê diễn ra suốt ngày đêm, vì lợi nhuận mà cá nhân, DN kinh doanh VLXD đã bất chấp, không quan tâm vấn đề an toàn đê điều. Mặt khác, thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát tặc trên sông ở Phú Thọ diễn ra phức tạp, gây sạt lở bờ sông. Hoạt động của các bến thủy nội địa không phép, trái phép cũng chính là nơi tiếp tay tiêu thụ sản phẩm cát, sỏi tặc…

Tiếp bài “Giải bài toán bến bãi hoạt động không phép” - Bài 2: Hệ lụy khôn lường - Hình 2

Bến bãi không phép, trái phép có thể trở thành nơi tiêu thụ cát, sỏi tặc

Ông Nguyễn Xuân Thường chia sẻ, hàng loạt bến bãi không phép tồn tại đã phá giá thị trường về VLXD. Khách hàng sẽ chọn mua VLXD bến không phép vì trốn được thuế, giá rẻ… Việc này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất kinh doanh của các bến chính quy.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam, việc mở bến thủy nội địa phải được tính toán rất kỹ về quy hoạch để từ đó xác định được vị trí, phạm vi và thời gian khai thác hoạt động. Việc bến bãi mở mà không được quy hoạch, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm thay đổi kết cấu dòng chảy; ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó gây sạt lở bờ sông, đất đai canh tác; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường hai bên bờ sông, các công trình trên sông và đời sống người dân ở dọc đê.

“Đáng lo ngại nhất, những nguy cơ mất an toàn đê điều có nhiều khả năng xảy ra trong trường hợp có bão lũ. Đặc biệt, khi các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, lưu lượng nước đổ về nhiều, việc lập các bến bãi tập kết VLXD đổ lên bờ sông, mái đê như hiện nay sẽ làm thu hẹp dòng chảy, dẫn tới đỉnh lũ dâng cao, chuyển sang phía hạ lưu gây xói lở, biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp các tuyến đê bao quanh và nguy cơ mất an toàn của nhiều hộ dân trong khu vực”, ông Hùng nói.

Tiếp bài “Giải bài toán bến bãi hoạt động không phép” - Bài 2: Hệ lụy khôn lường - Hình 3

Tiếp bài “Giải bài toán bến bãi hoạt động không phép” - Bài 2: Hệ lụy khôn lường - Hình 4

Mùa mưa lũ, bến ập kết đổ lên bờ sông, mái đê sẽ làm thu hẹp dòng chảy, dẫn tới đỉnh lũ dâng cao, chuyển sang phía hạ lưu gây xói lở, ảnh hưởng đảm bảo an toàn hệ thống đê điều...

Rõ ràng, việc bến bãi mở ra tràn lan không có phép, trái phép sẽ đem lại nhiều hệ lụy khôn lường. Đã đến lúc cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần quyết liệt vào cuộc kiên quyết xử lý dứt điểm và mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, đấu tranh với hoạt động phi pháp, không vì những lợi nhuận trước mắt mà gây ra những tác động xấu tới xã hội, môi trường và tài nguyên của đất nước.

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin!

Hoan Nguyễn