Trụ sở Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội)
Khi được hỏi “phụ huynh các lớp được thông báo, việc triển khai xã hội hoá để lắp điều hoà cho các lớp, riêng khối 6 dự kiến sẽ đóng góp 1.500.000 đồng/học sinh, nhiều phụ huynh không đồng tình; vậy thầy giáo có ý kiến gì về việc này?”, thầy Hiệu trưởng cho biết: “Đây là Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường tự thống nhất với các lớp, chứ không phải chủ trương của nhà trường, nghe nói khối 6 phải đóng nhiều hơn các khối khác là do khối này có thời gian học tại trường dài hơn. Hơn nữa, để triển khai thì phải thay đường điện khác, đầu chờ lắp đặt ở từng phòng cũng chưa có nên Ban đại diện mới dự kiến như vậy”.
Căn cứ theo Điều 11, Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội thì, để thực hiện xã hội hóa mua sắm trang thiết bị trong nhà trường, cần phải thực hiện đủ quy trình 4 bước, đặc biệt là phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên thì mới được triển khai, đồng thời phải dựa trên nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng. Như vậy, không hiểu Ban đại diện cha mẹ học sinh (theo lời thầy Hiệu trưởng) dựa vào văn bản hướng dẫn nào để đề xuất như vậy?
Khi được hỏi "việc tổ chức dạy thêm, học thêm và thu tiền, nhà trường có thực hiện theo đúng Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố?", thầy nhiều lần khẳng định: “Tôi luôn làm theo đúng quy định, tôi không thể làm sai, nếu làm sai tôi sẽ viết đơn xin từ chức”.
Cùng một sự việc, nhưng ý kiến của nhiều phụ huynh và lời nói của thầy Hiệu trưởng lại trái ngược nhau. Để minh chứng cho lời nói của thầy là đúng, PV đề nghị được tiếp cận với các giấy tờ liên quan, về việc đăng ký xếp lớp và giấy tờ thu tiền các mức theo sỹ số lớp học đúng theo Quyết định số 22. Thầy hiệu trưởng đồng ý sẽ cho xem đầy đủ giấy tờ và hướng dẫn sang gặp cô Tạ Thị Bích Thuỷ - Hiệu phó phụ trách. Tuy nhiên, sau đó cô Thuỷ không đưa ra được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh việc nhà trường đã làm theo đúng quy định.
Còn việc toàn bộ học sinh lớp 6D3 bỗng dưng bị nghỉ học vào buổi chiều, nhưng nhà trường không thông báo lý do, nhiều ý kiến cho rằng phụ huynh lớp 6D3 đã thắc mắc về việc thu tiền học thêm và tiền xã hội hóa quá cao nên nhà trường đã cho lớp này nghỉ học. Thầy Hiệu trưởng nói: “Không có chuyện nhà trường cho lớp 6D3 nghỉ học vì lý do đó”.
Khi PV hỏi “lớp 6D3 bị nghỉ học, nhưng nhà trường không thông báo lý do, việc này thầy Hiệu trưởng có biết?”, thầy nói: “Tôi có nghe giáo viên báo cáo như vậy, nhưng do nhiều việc quá nên tôi không để ý, tôi sẽ kiểm tra lại vấn đề này”.
Việc nhà trường liên kết với Trung tâm Languagelink để mở các lớp tiếng Anh tăng cường cho học sinh, thu 92.000 đồng/tiết x 2 tiết/tuần = 736.000 đồng/tháng/học sinh, nhiều phụ huynh cho là quá cao, vì trung tâm đó không phải đi thuê cơ sở vật chất ở bên ngoài, không phải mất công đi tuyển sinh, hơn nữa số lượng mỗi lớp có thể lên đến 40 học sinh/lớp. Về vấn đề này, thầy Hiệu trưởng cho rằng: “Nhà trường không thu, việc đó là do trung tâm tiếng Anh họ thu, mức thu đó tôi thấy cũng không cao”.
Ngoài ra, Trường THCS Lê Lợi vừa được đầu tư xây mới khá hiện đại, là mô hình trường điểm của quận Hà Đông, nơi thu hút học sinh giỏi từ các trường trên địa bàn quận. Với các môn học ngoại khóa tại trường như bơi lội, bóng rổ, cầu lông...; mỗi môn học 2 tiết/tuần, phải đóng 400.000 đồng/tháng/học sinh/môn (tương đương 50.000 đồng/tiết). Riêng bể bơi 4 mùa, không chỉ phục vụ học sinh trong trường, mà còn phục vụ cả khách bên ngoài vào sử dụng dịch vụ. Về vấn đề này, thầy Hiệu trưởng cho hay: “Việc thu tiền những môn học ngoại khoá là do đơn vị khai thác dịch vụ thu, họ thu bao nhiêu, nhà trường không can thiệp” (?!).
Theo tìm hiểu, đơn vị được sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường như bể bơi, nhà đa năng… để khai thác dịch vụ là Công ty TNHH Huấn luyện và phát triển thể chất Phù Đổng (Công ty Phù Đổng), được thành lập năm 2016, địa chỉ tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Phóng viên hỏi: Việc hợp tác này, nhà trường có xin ý kiến của cơ quan cấp trên; lợi nhuận thu được từ những dịch vụ đó, nhà trường có được hưởng không?”. Thầy Quốc Anh trả lời: “Nhà trường đang chuẩn bị xây dựng đề án để trình lên quận, tới đây khi quận duyệt đề án thì chúng tôi sẽ tiến hành triển khai theo đúng quy trình”.
Như vậy, đề án chưa trình, hợp đồng hợp tác giữa 2 bên cũng chưa được ký, việc thu tiền là do Công ty Phù Đổng thu (theo lời thầy Hiệu trưởng). Trong khi đó, cơ sở vật chất được đầu tư bằng tiền từ ngân sách nhà nước. Không hiểu, bằng cách nào mà Công ty Phù Đổng có thể vào khai thác dịch vụ và tự ý thu tiền tại ngôi trường này?
Câu trả lời, xin được chuyển tới UBND quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội để làm rõ.
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Thanh Bình