Heo được giết mổ tại cơ sở An Hạ huyện Củ Chi, TP.HCM. (Ảnh: TRẦN NGỌC)
Ngày 27/10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM có buổi làm việc với Sở NN&PTNT cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố.
Tới thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp hiện đại trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa hoàn thành là vấn đề được nhiều thành viên của HĐND TP.HCM quan tâm.
“Tháng 7/2017, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 04 về thực hiện chính sách, pháp luật ATTP. Nghị quyết nói trên có nội dung đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn TP.HCM sẽ ngưng hoạt động và đưa vào vận hành chín nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp hiện đại để đảm bảo nguồn thịt tới tay người tiêu dùng luôn an toàn. Đây là điều nhiều người quan tâm”, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, nói.
“Tuy nhiên, tới nay không biết tiến độ xây dựng chín nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tới đâu, có gặp khó khăn gì không. Đây là trách nhiệm của Sở NN&PTNT TP.HCM. Do vậy, sở này cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành” - ông Đạt nêu quan điểm.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Thiết (Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM) cho biết tháng 7/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định cho phép các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trên địa bàn TP hoạt động tới ngày 31/12/2020. “UBND TP.HCM cũng gia hạn thời gian hoàn thành các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp hiện đại. Theo đó, tới ngày 31/12/2020, ba nhà máy giết mổ công nghiệp ra đời và vận hành, sáu nhà máy còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 12/2021” - ông Thiết nói.
Theo ông Thiết, các nhà máy giết mổ công nghiệp chậm hoàn thành là do vướng hồ sơ pháp lý, vay vốn ngân hàng… Để giải quyết những tồn tại trên, TP.HCM thành lập tổ liên ngành để cùng doanh nghiệp tháo gỡ và đã có những dấu hiệu tích cực.
Nguyễn Tùng