Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố thông qua việc tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất; hỗ trợ thêm kinh phí cho các hoạt động chăm sóc trẻ, cho trẻ mẫu giáo, mầm non, cho giáo viên mầm non.
Đồng thời, quan tâm xây dựng thêm các chính sách để hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, các vùng khó khăn, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Các chính sách hỗ trợ phải cụ thể, phù hợp từng đối tượng, hòa chung với các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà thành phố đang triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đề ra các nhóm giải pháp cụ thể. Nhóm giải pháp đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non gồm: đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn; chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động và chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Nhóm giải pháp đối với trẻ em mầm non gồm: hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Ngoài ra, nhóm giải pháp đối với giáo viên mầm non gồm: Đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 105 được hỗ trợ thêm 1 khoản bằng tiền là 450.000/tháng, thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học; hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục; hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp.
PV