Có mặt tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, ngày 08/03, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người nguy cơ. Tính đến 15h 16/03, tất cả 21 quận huyện và TP. Thủ Đức đã báo cáo và lập được danh sách quản lý là 213.773 người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi và có bệnh nền); đã thực hiện triển khai xét nghiệm tầm soát cho 102.153 người, qua đó đã phát hiện 1.253 mắc Covid-19 và những trường hợp này đã được xử lý theo hướng dẫn.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin tại cuộc họp báo
Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin tại cuộc họp báo.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc mua thuốc Molnupiravir cho người dân tại TP. Hồ Chí Minh, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về việc tiếp cận, mua bán thuốc Molnupiravir. Do vậy, việc mua bán thuốc Molnupiravir vẫn theo đúng hướng dẫn cũ, đây là loại thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh cần phải kê toa của bác sĩ.

Theo bà Mai, có hai cách tiếp cận để có thuốc Molnupiravir: Thứ nhất là qua phần mềm khai báo F0, trạm y tế xác nhận thông tin nếu đúng trường hợp được chỉ định sẽ phát thuốc cho người dân; thứ hai là chọn hướng dịch vụ, sử dụng toa của trạm y tế, bác sĩ tại các đơn vị y tế công và tư (bác sĩ chịu trách nhiệm về việc chỉ định sử dụng thuốc cho người dân).

Bên cạnh đó, đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng cảnh báo người dân về các loại thuốc điều trị hậu Covid-19 trên mạng xã hội. Hiện tại, Sở Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế hình thành khoa lâm sàng khám hậu Covid-19 để người dân đến đăng ký. Việc chẩn đoán, điều trị phải đi song hành, cần chẩn đoán rồi mới điều trị hậu Covid-19. Việc người dân tự chẩn đoán, tự mua các loại thuốc điều trị hậu Covid-19 trên mạng sẽ rất nguy hiểm. 

Nguyễn Tùng