Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đến năm 2025, 100% xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP đều có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.
Đồng thời, ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia Đề án Chương trình OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP của TP. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia Đề án Chương trình OCOP.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái. Ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0. Phát triển sản xuất kết hợp với khai thác, phục vụ du lịch, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn.
Đồng thời, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Cụ thể, chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương…), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng; bảo vệ môi trường.
Thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế số gắn với thị trường xuất khẩu, gắn với lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực. Nâng cao năng lực quản trị; kỹ năng đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; kiến thức và năng lực về sở hữu trí tuệ; tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm nông thôn.
Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP, giám sát sản phẩm OCOP. Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Đề án Chương trình OCOP. Tăng cường chuyển đổi số trong Đề án Chương trình OCOP.
Nguyễn Tùng