NAVI XOAN được quảng cáo bằng những lời có cánh gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh
TPCN NAVI XOAN là thuốc đặc trị viêm xoang?
Thời gian qua, đường dây nóng Thương hiệu & Công luận nhận được những thông tin phản ánh tại nhiều website http://www.thaoduocxoang.com/, http://www.dongyvn.net/viemxoang/cùng nhiều địa chỉ facebook, zalo có quảng cáo về sản phẩm NAVI XOAN với đủ công năng như một loại thuốc có khả năng “điều trị”, “đặc trị”, viêm xoang và viêm mũi.
Trên mạng xã hội facebook tai trang fanpage Navi Xoan - Đánh bay viêm xoang, viêm mũi dị ứng, sản phẩm NAVI XOAN được giới thiệu như là một loại thuốc "đặc trị"
Hầu hết công ty này quảng cáo dưới dạng tin nhắn chia sẻ, cảm ơn của các nhân vật có đầy đủ tên tuổi, kèm theo đó là dòng giới thiệu “Đã hơn 18.500 khách hàng khỏi bệnh khi sử dụng sản phẩm chúng tôi” để nhiều người tin vào công dụng sản phẩm.
Motip chung của các “nhân vật chia sẻ” và các dạng tin nhắn là trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, sau khi sử dụng sản phẩm một thời gian, bệnh tình thuyên giảm, khỏi hẳn các triệu chứng do bệnh gây nên - đó cũng chính là lý do để nhân vật viết cảm ơn hay gửi tin nhắn đến phía công ty.
Một loạt tin nhắn chia sẻ cùng một motip được đăng trên http://www.thaoduocxoang.com/như một hình quảng cáo sản phẩm TPCN có tác dụng chữa bệnh
Để thêm tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, hình ảnh cụ thể của "nhân vật đã dùng sản phẩm". Theo tìm hiểu, các bài viết này ngoài được đăng các trang tin chính thức, các dạng bài giới thiệu, video cảm ơn của bệnh nhân cũng được đăng rất nhiều trên mạng xã hội.
Chỉ đọc những lời quảng cáo có cánh này, người dân, nhất là những người mắc bệnh mãn tính lâu năm rất dễ bị hiểu nhầm và “sập bẫy”. Hậu quả là vừa tốn tiền điều trị, vừa mua đủ loại TPCN với hy vọng chữa khỏi căn bệnh luôn khiến bản thân khó chịu, nhưng chưa chắc đã khỏi, lại còn “tiền mất tật mang”.
Bên cạnh đó, khi gõ tìm kiếm trên mạng các từ khoá “NAVI XOAN”; “điều trị viêm xoang NAVI XOAN”… thì ít nhất cũng có hàng chục kết quả tìm kiếm kèm theo những lời quảng cáo như điều trị viêm xoang viêm mũi, chữa dứt điểm khỏi viêm xoang, chữa viêm xoang mũi tận gốc, đặc trị viêm xoang… Việc sản phẩm sử dụng cụm từ “điều trị, đặc trị” để nói đến tác dụng của TPCN, khiến người đọc dễ hiểu nhầm đây là một loại thuốc chữa bệnh.
TPCN NAVI XOAN được tìm kiếm trên google với nội dung chữa dứt điểm viêm xoang
“Mập mờ” địa chỉ, xuất xứ
Trên website: http://www.dongyvn.net/viemxoang/sản phẩm được ghi rõ nơi sản xuất là ở Yên Bái
Nhìn nhận vấn đề thuốc, TPCN đang nóng hiện nay trên thị trường Việt, cùng với đó là những dấu hiệu bất thường trong cách phân phối, cung cấp sản phẩm NAVI XOAN, PV đã tìm hiểu và có những ghi nhận hết sức rõ ràng về sự bất cập...
Theo đó, khi để lại thông tin cần tư vấn ở các trang web trên, có số điện thoại 0946512xxx gọi điện đến cho số mà PV đã cung cấp và giới thiệu được biết sản phẩm NAVI XOAN là thuốc đặc trị về viêm xoang, mỗi liệu trình có giá một triệu ba trăm nghìn (2 hộp), trong vòng 30 ngày là bệnh ổn định, sau từ 2 đến 3 liệu trình khách hàng sẽ khỏi hoàn toàn và dứt điểm.
Nhưng khi đề nghị được cung cấp thông tin về địa chỉ cụ thể để trực tiếp đến thăm và mua sản phẩm, thì PV nhận được phản hồi từ nhân viên tư vấn như sau:
“Thứ nhất, thời gian này đang là dịp gần Tết, bưu điện họ nghỉ sớm, vì thế cũng phải phụ thuộc vào bưu điện, hơn nữa do có nhiều bệnh nhân ở xa nên cũng không chuyển thuốc được.
Thứ hai, nếu sang khám thì bệnh nhân rất đông, để được khám, phải chờ đợi rất lâu. Bây giờ, em có tình trạng bệnh của mình ở đây rồi, em phải có thời gian là lên đơn, lên liệu trình và kê thuốc cho mình nữa; rồi gửi lên trên cơ sở ở Yên Bái để người ta bào chế thuốc, chứ không phải thuốc có sẵn. Cơ sở sản xuất và bào chế ở trên Trạm Tấu - Yên Bái, còn ở Hà Nội chỉ là cơ sở kiểm định, kiểm kê của Bộ Y tế, Bộ Công an thôi…” (!?).
Việc tự ý sử dụng thuốc - vốn được các các chuyên gia y tế khuyến cáo là không nên, nhưng nay “được” nhà phân phối sản phẩm NAVI XOAN “hóa giải” theo cách đơn giản nhất. Thực tế, rõ nhất là trong suốt cuộc nói chuyện, nhân viên tư vấn gần như khẳng định chỉ “chữa bệnh qua điện thoại”, không cần phải tới thăm khám trực tiếp, điều này đồng nghĩa với việc người bệnh chỉ cần cho biết bệnh tình rồi mua sản phẩm về uống tại nhà.
Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp cho sản phẩm NAVIXOAN
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, sản phẩm NAVI XOAN được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 39607/2017/ATTP-XNCB ngày 30/10/2017 với thông tin cụ thể như sau: Sản phẩm NAVI XOAN thuộc nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe - do Công ty Cổ phần TruePharmco (Thông Phú Hào, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sản xuất; còn đơn vị chịu trách nhiệm công bố là Công ty TNHH Mộc Hoa Đường (địa chỉ: số 81, ngõ 25, Vũ Ngọc Phan, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội).
Một địa chỉ khác của đơn vị phân phối sản phẩm NAVI XOAN
Điều này, trái ngược hoàn toàn so với khẳng định của nhân viên tư vấn đó là sản phẩm NAVI XOAN được sản xuất, chế biến tại Yên Bái. Câu hỏi đặt ra: Sản phẩm thực chất có xuất xứ ở đâu?
Được biết, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đã quy định rất rõ, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm TPCN bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhằm giúp người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn.
Ngoài ra, tại Điều 3 – Thông tư 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế cũng có ghi rõ một trong các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm là “quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh” và " quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp".
Vậy có hay không việc vẫn bỏ qua mọi quy định để quảng cáo “thần thánh hóa” cho sản phẩm NAVI XOAN như một loại “thần dược” có khả năng điều trị, đánh bay viêm xoang? Phải chăng, phía công ty phân phối sản phẩm NAVI XOAN đang cố tình “phớt lờ” những quy định của pháp luật?
Đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vào cuộc làm rõ nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Phan Chinh - Trang Nguyễn