Chủ tịch UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4284/UBND-KGVX về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường và Công văn số 4380/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh và địa phương có liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch kịp thời; thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Sở Y tế chủ động phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các sở, ngành tỉnh và địa phương có liên quan tăng cường hoạt động truyền thông trong phòng, chống bệnh sởi theo Công văn số 5099/BYT-DP ngày 28/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất trên thế giới, có thể bùng phát thành dịch, tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh sởi có thể gây biến chứng nặng, đe dọa đến sức khỏe trẻ như viêm não, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai, viêm phổi, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vắc xin sởi được khuyến cáo tiêm cho trẻ em ngay từ 9 tháng tuổi để chặn đứng nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm.
L.T( t/h)