Hệ thống được triển khai tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện K… Ước tính, khi triển khai hệ thống này trên toàn quốc sẽ tiết kiệm cho xã hội và ngành y tế hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Hiện tại 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa đã được thiết lập để đáp ứng mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa.” Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên chất lượng cao hơn đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền.

Các bệnh viện triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa. (Ảnh: PV/Vietnam+)Các bệnh viện triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin để triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thành lập Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19.

Theo số liệu, hiện nay đã có gần 20 bệnh viện trung ương kết nối khám chữa bệnh từ xa, trong đó Bệnh viện Bạch Mai đã kết nối được 300 điểm cầu; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kết nối gần 130 điểm cầu; Bệnh viện Đại học y kết nối với gần 200 điểm…

1.000 điểm cầu là con số đặt ra mục tiêu cho Đề án. Mặc khác, hiện cả nước có 40 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế thì con số này hoàn toàn khả thi.

Các bệnh viện tuyến trung ương có đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy trong giai đoạn này để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Đó là những kinh nghiệm điều trị rất quan trọng và đáng trân trọng...

 Thiên Trường