Giấy khám sức khỏe vài phút…là có!

Thời gian gần đây, tòa soạn báo Thương hiệu & Công luận (TH&CL) nhận được rất nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về hoạt động của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (cơ sở 2) có địa chỉ tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) trong việc cấp giấy khám sức khỏe.

Cụ thể, theo phản ánh của bạn đọc tại cơ sở 2 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã mở một phòng khám bệnh đa khoa Phúc An ngay tại trong trường. Theo phản ánh thì phòng khám bệnh đa khoa Phúc An đã tiến hành cấp, bán giấy khám sức khỏe cho người dân, nhưng không cần thực hiện các bước theo đúng quy định. Người cần giấy khám sức khỏe chỉ cần đến phòng khám khai báo sơ bộ rồi “ngồi chờ”, sau vài phút sẽ có giấy khám sức khỏe. Ngoài ra, việc mở phòng khám trong trường là không đúng theo  dự án quy hoạch sử dụng đất?.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Nhiều 'mập mờ' trong hoạt động khám sức khỏe? - Hình 1

Để nắm bắt được thông tin chính xác và khách quan, Phóng viên (PV) đã tới phòng khám, vào vai người cần giấy khám sức khỏe để đi làm. Sau khi khai báo sơ bộ tại quầy về chiều cao, cân nặng PV được dẫn tới một phòng khám.

Sau đó bác sĩ có hỏi PV là cần giấy khám sức khỏe để đi làm hay đi học? PV đã cung cấp thông tin là cần để đi làm. Tiếp đó vị bác sĩ này có hỏi có cần khám không? PV trả lời là tùy thuộc vào quy trình của phòng khám.

Vị bác sĩ này đã kí và điền thông tin vào phiếu khám không cần khám và hướng dẫn PV quay lại quầy. Sau khi quay lại quầy, nhân viên của phòng khám đã cầm lại giấy khám sức khỏe (bản trống chưa khám gì – PV) và đề nghị  tôi ngồi chờ.

Chỉ sau vài phút đồng hồ, nhân viên quay lại với đầy đủ các thông tin khám, xác nhận kết quả hoàn chỉnh, đóng dấu cho một giấy khám sức khỏe rồi đưa lại cho chúng tôi. Tất cả mọi thủ tục từ khám, lấy dấu nhân viên phòng khám đã thay chúng tôi “đi khám”, làm mọi thủ tục cần thiết.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Nhiều 'mập mờ' trong hoạt động khám sức khỏe? - Hình 2

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Nhiều 'mập mờ' trong hoạt động khám sức khỏe? - Hình 3

Giấy khám sức khỏe tại phòng khám đa khoa Phúc An

Về giá của một tờ giấy khám sức khỏe (4 mặt) tại đây là 250 ngàn đồng/ bản, nếu người khám cần lấy thêm sẽ nộp thêm 20 nghìn cho bản tiếp theo.

Điều này khiến PV vô cùng bất ngờ về quy trình khám sức khỏe cho người dân của các y bác sĩ tại phòng khám đa khoa Phúc An.

Nếu như ở các cơ sở khám chữa bệnh khác có khi người dân phải mất cả vài tiếng, trải qua không biết bao nhiêu phòng, khoa mới có được một giấy khám sức khỏe hoàn chỉnh và đúng theo tình trạng sức khỏe, thì tại phòng khám đa khoa Phúc An chỉ cần ít thời gian ngồi chờ là có giấy khám đạt tiêu chuẩn.

Trước những thực tế mà PV tìm hiểu được, chúng tôi không khỏi đặt ra nghi vấn về cách làm việc, quy trình khám, cấp giấy tại nơi đây. Liệu rằng việc cấp giấy như vậy có chăng là phòng khám đang làm theo kiểu “dịch vụ”. Đồng thời, việc làm của phòng khám đã đúng với quy định?

Để trả lời cho những nghi vấn trên PV đã tiến hành đặt lịch làm việc với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Sau một thời gian đặt lịch làm việc, ngày 7/5/2018 PV đã có buổi làm việc với ông Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng Trường và ông NguyễnThế Nhị - Chánh văn phòng Trường.

Trả lời thông tin của PV về việc sử dụng đất của trường để mở phòng khám và việc phòng khám cấp giấy khám sức khỏe cho người dân nhưng không cần khám ông Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: “Về việc sử dụng đất nhà trường đã sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch. Việc mở phòng khám là một trong những hạng mục theo đề án của trường trước đó.

Còn về việc phòng khám cấp giấy khám sức khỏe cho người dân mà không cần khám cái này nhà trường sẽ giao cho đồng chí chuyên môn phụ trách phòng khám làm việc với báo chí. Về hoạt động của phòng khám chúng tôi không nắm rõ bằng đồng chí phụ trách”.

Thông qua câu trả lời của vị phó Hiệu trưởng, để trả lời bạn đọc khách quan, chính xác, PV đã đề nghị phía nhà trường cung cấp bản đề án mà ông Trụ đã nhắc tới cùng các giấy tờ liên quan, nhưng vị phó Hiệu trưởng không cung cấp và cho rằng không cần thiết.

Từ chối cung cấp thông tin

Ngày 11/5/2018, PV đã quay lại làm việc với nhà Trường theo lịch mà vị phó Hiệu trưởng này đã hẹn. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Nhị - Chánh văn phòng Trường giới thiệu ông Chu Tiến Cường - Phụ trách phòng khám của trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (cơ sở 2) trên Từ Sơn - Bắc Ninh và ông Phạm Quang Toản–Cán bộ văn phòng sẽ làm việc với PV liên quan đến vấn đề giấy khám sức khỏe. Ông Nhị có cáo lỗi không cùng tiếp được vì có cuộc họp.

 Tuy nhiên, ông Phạm Quang Toản đã từ chối cung cấp thông tin vì cho rằng PV không có thẻ nhà báo.

Trước những vấn đề nêu trên tại Trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (cơ sở 2), nội dung vụ việc PV cần xác minh, đến việc từ chối cung cấp thông tin của ông Toản, báo Thương hiệu & Công luận đề nghị Trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ và  trả lời bạn đọc.

Báo Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

NPVĐT