THCL Nhằm đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi NK hàng hóa cho các DN khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực, mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 28 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Nhiều cơ hội phát triển
Đối với các DN, Thông tư 28 sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hương Ly, PGĐ một DN may mặc tại tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, DN phải NK tới 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài (riêng NK từ Trung Quốc chiếm hơn 40%) nên phải đi lại nhiều lần đến Bộ Công thương để thực hiện các thủ tục về chứng nhận xuất xứ hàng hóa, mất nhiều thời gian, công sức.
“Từ khi nghe thông tin được tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hóa, DN rất quan tâm, nhất là đối với những DN ở các tỉnh, bởi sẽ giảm thiểu cho DN được một khoản chi phí không nhỏ từ đi lại để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, TCNXX hàng hóa giúp DN chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, tạo thuận lợi, cũng như thúc đẩy XK hàng hóa vào ASEAN”, bà Ly chia sẻ.
Các chuyên gia thương mại khuyến cáo, để DN tận dụng được tối đa những thuận lợi do cơ chế này mang lại, cốt lõi của cơ chế tự nhận xuất xứ là trao quyền cho DN, do đó quan trọng nhất là DN phải làm thế nào để có được quyền này. Điều tiên quyết là DN phải hiểu rõ về tất cả nguồn gốc nguyên liệu dùng làm “đầu vào” cho sản xuất và phải có trách nhiệm xác minh về nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, đảm bảo các dữ liệu cung cấp là rõ ràng, minh bạch và trung thực.
Thực tế, nhiều DN vẫn mơ hồ về thông tin cũng như các nội dung về TCNXX hàng hóa, họ không biết sẽ phải TCNXX bằng những con đường nào với những biểu mẫu gì và phải thực hiện từng bước như thế nào.
TCNXX hàng hóa cũng giúp DN nắm bắt sâu cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA, qua đó tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan. Ngoài ra, đây còn là bước đệm giúp DN làm quen với xu hướng mới trong FTA, có kinh nghiệm thực tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực đối với cả DN và cơ quan quản lý thì TCNXX hàng hóa nếu không được thực hiện chặt chẽ, giám sát đầy đủ - sẽ là kẽ hở để các DN gian lận xuất xứ.
“Vướng” nhiều tiêu chí
Mặc dù cơ chế này có nhiều ưu điểm nổi trội, song DN vẫn thấy lo lắng, chưa tự tin khi áp dụng cơ chế TCNXX bởi vướng nhiều tiêu chí.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục XNK (Bộ Công thương) chia sẻ: “Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ mới chỉ cấp giấy tự chứng nhận xuất xứ cho Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), trong khi các nước trong khu vực, có khá nhiều DN đã thực hiện tự chứng nhận xuất xứ”.
Lý giải về điều này, ông Hải cho biết, khó khăn lớn nhất của DN khi muốn TCNXX là vấn đề kim ngạch XK.
Theo quy định của Thông tư 28, nhà sản xuất đồng thời là người XK hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. DN phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 triệu USD, có quá trình chấp hành tốt pháp luật nhất là thuế, hải quan, XNK; có bộ máy đủ năng lực bởi khi làm tự chứng nhận là DN đang tự làm thay vai trò của Nhà nước…
“Năng lực yếu kém, thiếu tự tin cũng là vấn đề cản trở DN thực hiện TCNXX hàng hóa. Bên cạnh đó, còn nhiều DN lo ngại trách nhiệm sau khi thông quan hàng hóa sẽ nặng nề hơn…. Nếu đội ngũ cán bộ DN không nắm bắt được vấn đề, quy định cần thiết dẫn đến chứng nhận sai, không chỉ ảnh hưởng đến DN, mà còn ảnh hưởng đến quốc gia”, ông Hải nói.
Trở ngại là vậy tuy nhiên, bà Bùi Kim Thùy, Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục XNK (Bộ Công thương) cho biết: “Quy tắc xuất xứ là công cụ để xác định hàng hóa NK có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không. Vì vậy, để hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA, cách duy nhất là đáp ứng được quy tắc xuất xứ của từng FTA cụ thể. Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là xu thế tất yếu, giúp DN thuận lợi trong đón đầu các FTA thế hệ mới, đặc biệt là TPP, EVFTA, AEC với ATIGA…”
Thế Long – Anh Đức