Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm du lịch nghỉ dưỡng ven đô do Tạp chí The LEADER tổ chức sáng ngày 21/11 tại Hà Nội.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội; ông Amonrn Harnkham – Giám đốc khu vực Trường quản lý khách sạn và du lịch quốc tế Thái Lan cùng nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý về lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Cao Cương – Tổng biên tập Tạp chí The LEADER chia sẻ: “Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và tầng lớp người giàu đô thị, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng đang trở nên vô cùng bức thiết. Những khu du lịch quy mô lớn đang không những tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng nhằm phục vụ sự phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên, trong khi du lịch biển bùng nổ tại những địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, thì du lịch nghỉ dưỡng ven đô xung quanh các thành phố lớn lại phát triển rất chậm, tụt hậu hơn hẳn so với du lịch biển, nhưng nếu biết khai thác đúng tiềm năng thì đây sẽ là thị trường rất triển vọng”.

Nhiều chuyên gia nhận định, du lịch nghỉ dưỡng ven đô tại Việt Nam hiện đang sở hữu những tiềm năng rất lớn, thế mạnh riêng rất khác biệt, thậm chí không thua kém du lịch biển.

Trước thực tế khu vực trung tâm thành phố bị quá tải, môi trường ô nhiễm, không gian sống chật chội, cư dân sinh sống tại đây đang có xu hướng dịch chuyển về các vùng ven đô để sinh sống, nghỉ dưỡng mỗi dịp cuối tuần để thư giãn, nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt mỏi.

Nói về triển vọng phát triển bất động sản ven đô, ông Nguyễn Thành Trung – Phó Tổng giám đốc Archi Invest cho rằng: “Khu vực vùng ven các thành phố lớn như Hà Nội với điều kiện tự nhiên, không khí trong lành, thiên nhiên ưu đãi, nhiều cảnh đẹp, rất phù hợp để phát triển khác khu du lịch nghỉ dưỡng ven đô”.

“Mặt khác, hệ thống giao thông kết nối trung tâm thành phố với các khu vực ngoại vi đang càng thuận tiện, số lượng xe ô tô cá nhân tăng mạnh thời gian gần đây cũng tạo điều kiện cho các bất động sản nghỉ dưỡng ven đô phát triển”, ông Trung nhấn mạnh.

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô - Hình 1

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với thời gian di chuyển khoảng 90 phút cả đi lẫn về, mỗi năm người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần/năm. Chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra quan điểm, hiện số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình rất khiêm tốn, có thể kể đến một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Flamingo Đại Lải, Melia Ba Vì, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi và Emeralda Ninh Bình...vẫn còn khá ít.

Cũng tại tọa đàm, ông Lương Ngọc Khánh – Tổng giám đốc Công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality chỉ rằng một số tồn tại khi phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam: “Các chủ đầu tư chưa thực sự làm việc với các đơn vị quản lý để nắm bắt được thị hiếu khách du lịch cần gì để phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp mà chỉ chú trọng phát triển theo hướng của mình, điều này gây ra lãng phí mà lại không tận dụng được hết các thế mạnh của đất nước”.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch tại Thái Lan, ông Amonrn Harnkham nói: “Thái Lan có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như vị trí địa lý chiến lược tại Châu Á, cơ sở hạ tầng như sân bay hiện đại, các kết nối giao thông thuận tiện... Thái Lan được Chính phủ định hướng phát triển du lịch trở thành điểm đến của những nụ cười, của văn hóa lịch sử... Tại vùng Chiềng Mai của Thái Lan, các nhà đầu tư phát triển bất động sản du lịch không chỉ giới hạn ở nghỉ dưỡng tại spa, resort mà còn xây dựng các hoạt động kích thích du lịch như xây vườn sinh thái du lịch mạo hiểm, trải nghiệm đi rừng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên...”.

“Chúng tôi đặt rõ mục tiêu là làm gì để sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, từ đó vạch ra các sản phẩm du lịch cụ thể để khách du lịch muốn đến những lần tiếp theo. Chính vì thế mà ở Thái Lan phát triển du lịch theo chủ đề như thể thao, nghỉ dưỡng...dưới sự hướng dẫn của các Bộ để xây dựng chiến lược phát triển du lịch và quảng bá tới các địa phương”, ông Amonrn Harnkham cho biết.

Ông Amonrn Harnkham cũng chỉ ra Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch ven đô, đặc biệt Hà Nội sẽ là một trong những điểm đến tốt nhất cho đầu tư nghỉ dưỡng ven đô bởi lợi thế về giao thông thuận tiện, cơ cấu phù hợp giữa vùng đồi và núi, là sự kết hợp tuyệt vời giữa du lịch và sinh sống. Điều quan trọng là phải quan tâm về các sản phẩm và chất lượng dịch vụ, bên cạnh đó làm thế nào để kết nối với Thái Lan xây dựng thành một khối liên minh về du lịch nghỉ dưỡng ven đô. Nhiều khách du lịch đến Thái Lan cũng muốn ddeenss Việt Nam nhưng họ chưa rõ Việt Nam có những loại hinh du lịch cụ thể như thế nào”.

Trúc Mai