Chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) phân tích, xu hướng trung hạn của VN-Index vẫn giao dịch trong kênh rộng 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm.
Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 -1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
“Mặc dù VN-Index đang vượt vùng kháng cự mạnh, tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm so với phiên 11/6. Do đó, ngắn hạn VN-Index, VN30 sẽ chịu áp lực kiểm tra lại vùng kháng cự đỉnh giá tháng Ba, 4/2024 tương ứng các vùng giá quanh 1.295 điểm, 1.322 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đã giải ngân tiếp tục nắm giữ hoặc nếu có tỉ trọng cao có thể xem xét bán chốt lãi dần đối với các mã đã đạt kỳ vọng, hoặc cơ cấu bán các mã yếu kém nếu có. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành, khi quí II/2024 đang dần kết thúc”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) nhận định, sau sự giằng co trong phiên sáng, thị trường chính thức bứt phá trong phiên chiều giúp VN-Index trở lại ngưỡng 1.300 điểm sau 2 năm. Mặc dù vậy, sự phân hóa vẫn duy trì ở mức cao khi hầu hết động lực tăng điểm phiên hôm nay đến từ nhóm vốn hóa lớn. Trong khi đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đa số vẫn tiếp tục vận động ở trạng thái cân bằng hướng lên với hỗ trợ chính là MA20.
Chuyên gia của ASEAN khuyên nhà đầu tư: “Thị trường đang ở trạng thái đủ an toàn để tích lũy cổ phiếu và chiến lược trading vẫn nên được ưu tiên”.
Chuyên gia của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên hôm nay 13/6 và chỉ số VN30 có thể sẽ sớm kiểm tra mức kháng cự 1.350 điểm trong những phiên tới.
Đồng thời, thị trường đã có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn tích lũy và bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và tình trạng phân hóa này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa.
Theo YSVN, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và nên chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ngày 13/6, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 14 phiên liên tiếp tại HOSE với -605,1 tỷ đồng tập trung vào các mã FPT (-495 tỷ đồng), VHM (-184,2 tỷ đồng), VRE (-102,1 tỷ đồng), và VNM (-89,5 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng gồm MBB (+138,5 tỷ đồng), MSN (+88,7 tỷ đồng)... Tại sàn HNX, khối ngoại tăng mua ròng với +111 tỷ đồng, tập trung tại các mã PVS (+46,6 tỷ đồng), IDC (+36,7 tỷ đồng), MBS (+17,9 tỷ đồng) và SHS (+14,3 tỷ đồng). Bán ròng sàn HNX không nhiều, nổi bật là DTD và NTP cùng -4,9 tỷ đồng.
X.Hải (t/h)