VnSAT – Những vườn cà phê không sợ hạn - Hình 1

Sáng nay ngày 22/3/2019 Hội nghị tổng kết sau 3 năm thực hiện Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại VN (VnSAT) đã diễn ra tại Sóc Trăng. Thứ trưởng Lê Quốc doanh – Trưởng ban chỉ đạo dự án nhấn mạnh việc tập trung thúc đẩy tiến độ các hoạt dộng của dự án trong đó việc triển khai và nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm cho Cà phê của Tây Nguyên được coi là một trong những hoạt động trọng điểm trong năm 2019.

Hạn hán đe dọa những vườn cà phê Tây Nguyên

Mới chỉ bước vào đầu cao điểm mùa khô hạn, một số khu vực của Tây Nguyên đã thiếu nước nghiêm trọng. Một số hồ, đập trong vùng lượng nước thấp hơn rất nhiều so với các năm, thậm chí hồ Thủy điện Ka Nak tại tỉnh Gia Lai thời điểm cuối tháng 02/2019 chỉ đạt 10% dung tích. Dự báo khô hạn có khả năng diễn ra khốc liệt điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây cà phê cũng như thu nhập của bà con nông dân.

Anh Y Tuyn Niê (thôn 3, xã Ea H’đinh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết:“"Hơn 1ha cà phê và 4 sào lúa nước của mình chỉ dựa vào cái ao này và một giếng khoan. Vậy mà giờ giếng khoan cũng sắp cạn, tưới hai giờ phải nghỉ năm giờ để nước mạch chảy ra. Cái ao thì trơ đáy. Với tình hình này, cây trồng của mình lại chết héo như mùa khô năm 2016" .

VnSAT – Những vườn cà phê không sợ hạn

Năm 2016 dự án VnSAT chính thức khởi động cũng là năm hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở khu vực Tây Nguyên. Để kịp thời đối phó với hạn hán, Dự án VnSAT đã gấp rút triển khai các mô hình trình diễn tưới nước tiết kiệm trên toàn vùng Tây Nguyên. Dự án đã triển khai đồng bộ thực hiện nhiều hoạt động như: Đào tạo sản xuất và tái canh cà phê bền vững – Thích ứng biến đổi khí hậu; Xây dựng mô hình trình diễn Dự báo lượng nước tưới và hệ hống tưới tiết kiệm; Hỗ trợ cho các nông hộ 50% chi phí để lắp đặt hệ thống tưới cho cây cà phê.

 VnSAT – Những vườn cà phê không sợ hạn - Hình 2

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó GĐ dự án VnSAT tỉnh Đắk Lắk (bên phải) cùng hộ nông dân được hỗ trợ

Ông Nguyễn Viết Hợi (ngụ thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) cho biết: “Tưới tiết kiệm giống như “mưa dầm thấm lâu”, lượng nước tưới không ồ ạt mà được thấm dần vào đất, tập trung tại gốc cà phê, cung cấp nước và dinh dưỡng vừa đủ một cách thường xuyên theo nhu cầu sinh trưởng của cây. Việc bón phân hòa tan trong nước tưới cũng sẽ hạn chế thất thoát, giảm công sức lao động.”

 VnSAT – Những vườn cà phê không sợ hạn - Hình 3

Mô hình tưới nước tiết kiệm của dự án VnSAT tại Đắk Lắk

Cũng là người tiên phong lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bà Lại Thị Hiền (xã Tân Lâm, huyện Di Linh) cho biết:“Gia đình bà đã xây bể chứa nước khoảng 10m3 nước cùng hệ thống máy bơm, đồng hồ đo nước và các van chia ra nhiều hướng khác nhau. Một hệ thống ống nước nhỏ được lắp đặt dưới mặt đất khoảng 2 - 5cm thuận lợi cho việc tưới nhỏ giọt.”

Bà Hiền phấn khởi nói: “Với mô hình này, lượng nước luôn được kiểm soát, không thừa mà cũng không thiếu, đồng thời giúp nông dân kiểm soát được phân bón, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng”.

PV