Chiều 15/11, chỉ hai ngày sau khi sự việc livestream “Cô ba Sài Gòn” bị phát giác, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cùng đại diện đơn vị phát hành phim đã mời công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giải quyết vụ việc này và tuyên bố không nhân nhượng cho hành vi livestream lén bộ phim của nam thanh niên.

Vụ livestream lén phim “Cô ba Sài Gòn”: Xử lý hành chính cũng đảm bảo quyền lợi nhà sản xuất - Hình 1

Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm việc với nam thanh niên được cho là livestream lén phim “Cô ba Sài Gòn”

Hành vi quay lén bộ phim và đưa lên mạng xã hội của nam thanh niên đã có dấu hiệu phạm tội xâm phạm quyền sở hữu tác giả. Pháp luật hiện hành có quy định các mức xử phạt khác nhau cho hành vi quay lén và phát tán phim. Trong đó, khung hình phạt cao nhất là yêu cầu xử lý hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh: Điểm d, Điều 131, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đối với những người có hành vi công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình: “... người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm...”.

Vụ livestream lén phim “Cô ba Sài Gòn”: Xử lý hành chính cũng đảm bảo quyền lợi nhà sản xuất - Hình 2

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Hãng luật Hưng Yên

Trong sự việc này, nam thanh niên lần đầu tiên vi phạm và cũng chưa từng bị xử lý hành chính. Nếu nhà sản xuất phim không chứng minh được thiệt hại thì không thể xử lý hình sự được mà chỉ có thể xử lý hành chính. Bởi thực tế, khó mà quy kết được chính xác con số thiệt hại mà nhà sản xuất phim “Cô ba Sài Gòn” phải gánh chịu từ vụ việc này.

“Nhiều người cho rằng cần phải nghiêm trị, nhưng theo tôi không nhất thiết phải xử lý hình sự mà vẫn đảm bảo được mục đích răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Nếu bên nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chứng minh được thiệt hại, thì căn cứ Luật sở hữu trí tuệ, căn cứ theo Luật tố tụng dân sự vẫn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều này vẫn đảm bảo được quyền lợi cho hãng phim và hàm chứa đựng thông tin để tất cả người khác không dám xâm phạm, đảm bảo tính nhân văn hơn”, Luật sư Quynh nhấn mạnh.

Cao Thanh