Ngày 25/11/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2556/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng thế mạnh tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. UBND thành phố Đà Lạt xác định việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản theo sự chỉ đạo chung của tỉnh Lâm Đồng để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của thành phố Đà Lạt đến năm 2020, đến nay 5 nhóm cây trồng chủ lực của địa phương đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ bảo hộ độc quyền trên phạm vi cả nước gồm Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Arabica Đà Lạt, Hồng Đà Lạt và Dâu tây Đà Lạt. Để quản lý thương hiệu nông sản nói chung và thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” nói riêng UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND thành phố Đà Lạt là đầu mối quản lý phát triển thương hiệu.
Thành phố Đà Lạt đã tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững sản phẩm dựa trên các căn cứ hợp lý, cân đối giữa mục tiêu đề ra, nâng cao tính khả thi, tận dụng các lợi thế và điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp thu, vận dụng tốt các chủ trương, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển thương hiệu. Đồng thời, Thành phố Đà Lạt cũng đã tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng tập trung đầu tư thâm canh gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các biện pháp sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các cơ sở chế biến công nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm rau, hoa, cà phê, chè, Hồng Đà Lạt và Dâu tây Đà Lạt... để nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực gắn với việc bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Đà Lạt ưu tiên phát triển nhanh một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao để tạo bước chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế trang trại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp…
Một số kết quả cụ thể:
Đối với sản phẩm rau Đà Lạt (đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ): Năm 2008, UBND thành phố Đà Lạt phối hợp với Sở Khoa học công nghệ Lâm Đồng xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHCN Rau Đà Lạt và tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt, nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt tại cục sở hữu trí tuệ. Đến ngày 23/10/2008, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 135739 theo Quyết định số 22320/QĐ-SHTT cho sản phẩm rau Đà Lạt và vùng phụ cận.
UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành một số văn bản phục vụ công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt (ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt; ban hành quy trình, hồ sơ cấp, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt, ban hành quy chế tổ chức, nhân sự phục vụ công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt; ban hành quy định hình thái, mẫu mã sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Rau Đà Lạt).
Đối với sản phẩm hoa Đà Lạt (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ): Năm 2011, sản phẩm hoa Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam tại Quyết định số 51964/QĐ-SHTT ngày 14/12/2011 ban hành kèm theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 177080. Nhãn hiệu chứng nhận Hoa Đà Lạt hiện nay được áp dụng đối với 11 loại hoa chủ lực của thành phố, đó là Địa lan, Cúc, Hồng, Cẩm chướng, Cát tường, Glay ơn, Lily, Đồng tiền, Hồng môn, Salem, Ngàn sao.
Đối với sản phẩm Cà phê Cầu Đất Đà Lạt (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ): Đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Cầu Đất Đà Lạt theo quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 31/3/2016. Ngày 04/10/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 69205/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm Cà phê Cầu Đất Đà Lạt. Trong đó, sản phẩm được chứng nhận bao gồm cà phê nhân, cà phê bột thuộc loại cà phê Arabica; đã tham mưu UBND thành phố Đà Lạt tổ chức lễ công bố quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Cầu Đất Đà Lạt; tiến hành lễ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu Cà phê Cầu Đất Đà Lạt cho UBND thành phố Đà Lạt, cấp thí điểm quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Cầu Đất Đà Lạt cho 26 tổ chức, cá nhân sản xuất cà phê Arabica tiêu biểu trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Đối với sản phẩm Hồng Đà Lạt (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ): Đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hồng Đà Lạt theo quyết định số 900/QĐ-UBND ngày 15/5/2018. Ngày 15/5/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 33181/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm Hồng Đà Lạt. Trong đó, sản phẩm được chứng nhận bao gồm trái hồng tươi và trái hồng sấy khô. Đã tham mưu UBND thành phố Đà Lạt tổ chức lễ công bố quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Hồng Đà Lạt. Tiến hành lễ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu Hồng Đà Lạt cho UBND thành phố Đà Lạt, cấp thí điểm quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hồng Đà Lạt cho 40 tổ chức, cá nhân sản xuất Hồng trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Đối với sản phẩm Dâu tây Đà Lạt (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ): Đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dâu tây Đà Lạt theo quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 15/05/2018. Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 33180/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm Dâu tây Đà Lạt. Trong đó, sản phẩm được chứng nhận bao gồm Trái Dâu tây tươi. Đã tham mưu UBND thành phố Đà Lạt tổ chức lễ công bố quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dâu tây Đà Lạt. Tiến hành lễ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu Dâu tây Đà Lạt cho UBND thành phố Đà Lạt, cấp thí điểm quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Dâu tây Đà Lạt cho 22 tổ chức, cá nhân sản xuất Dâu tây trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Minh Anh