Xác lập và phát triển tài sản trí tuệ
Với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ nhằm phát triển bền vững, toàn diện, đồng bộ cho doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng hỗ trợ, xây và dựng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.569 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.284 giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 84 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đã được cấp 57 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 45 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, đã được cấp 11 văn bằng bảo hộ độc quyền. Đáng chú ý, Bắc Giang đã có 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 67 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm; đang làm thủ tục bảo hộ 2 chỉ dẫn địa lý và nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ tại nước ngoài: Vải thiều Lục Ngạn, được bảo hộ tại 8 quốc gia (Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Mỹ); mỳ Kế, được bảo hộ tại 05 quốc gia (Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc); mỳ Chũ, được bảo hộ tại 05 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia); sản phẩm gà đồi Yên Thế, được bảo hộ tại 3 quốc gia (Trung Quốc, Lào, Singapore). Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn là nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong thời gian qua được thực hiện thường xuyên, liên tục, trách nhiệm và hiệu quả. Qua đó, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện và mất ít thời gian, chi phí hơn.
Sử dụng hiệu quả thương hiệu đã bảo hộ
Các sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ, đã phát huy giá trị riêng có, ưu việt của mình; sản phẩm hàng hóa được đóng gói và có tem nhãn ghi rõ xuất xứ (mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, nấm Lạng Giang, gà đồi Yên Thế, rượu làng Vân...), mang lại uy tín, chất lượng và giữ vững được thương hiệu trên thị thường.
Để có sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, chính bản thân các nhà sản xuất, hội, ngành hàng sản xuất đã có cơ chế giám sát lẫn nhau ngay từ ban đầu, để khi sản phẩm xuất bán ra thị trường đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, người tiêu dùng.
Giữ vững và sử dụng có hiệu quả thương hiệu các sản phẩm đã bảo hộ, rà soát, lựa chọn sản phẩm tiềm năng để đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tạo sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng, từng bước phát triển, nâng cấp lên mức độ bảo hộ cao hơn, phát huy tối đa lợi thế của nhãn hiệu sản phẩm. Lựa chọn một số mô hình điểm, tiêu biểu về tạo lập, quản lý, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh để tập trung tuyên truyền, quảng bá và nhân rộng.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi, áp dụng đồng bộ các giải pháp từ giống, sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối giao thương và tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm đầu tư công nghệ bảo quản - chế biến cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, nhằm kéo dài thời gian tiêu thụ, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm gia tăng giá trị hàng hóa.
Tỉnh đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ triển lãm (Techmart, Techfest, kết nối cung - cầu công nghệ…) trong nước và quốc tế để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sản phẩm OCOP tại trung tâm các huyện, thành phố, gắn phát triển du lịch tâm linh - sinh thái với tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
Cùng với đó, nghiên cứu, đánh giá việc tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để thực hiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, nhằm mang lại giá trị thương mại cao.
Nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ
Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ được quan tâm, mang lại nhiều kết quả tích cực; song nhận thức của một bộ phận daonh nghiệp, tổ chức về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ nói chung, cũng như việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm nói riêng chưa đầy đủ. Vì thế, chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, chưa thực sự coi khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn bị xem nhẹ, không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất; việc quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm chưa đồng đều, mẫu mã bao bì thiếu phong phú, bắt mắt người tiêu dùng. Không ít sản phẩm nông sản tiêu thụ dưới dạng thô, mang tính tự phát, sức cạnh tranh yếu.
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu chưa qua chế biến; năng lực triển khai phát triển tài sản trí tuệ của đơn vị còn nhiều hạn chế.
Các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng, tuy nhiên quá trình khai thác và thương mại hóa chưa thật sự hiệu quả.
Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nhất là bảo quản cho các sản phẩm nông sản như rau, vải thiều còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương...
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng giả nhãn hiệu, hàng nhái...
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp.
Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ, thời gian tới, cần phải chú trọng công tác đào tạo cán bộ làm công tác thực thi, cũng như nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng và đáp ứng các yêu cầu quản lý và phát triển, sản phẩm rõ ràng, minh bạch, truy xuất được quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến đóng gói, bảo quản.
Anh Minh