Xuất khẩu gạo đạt trên 2 tỷ USD

Bức tranh xuất khẩu trong 5 tháng qua, điểm sáng nhất có thể gọi tên nông sản. Số liệu mới nhất được công bố, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, trong 5 tháng đầu năm đã mang về hơn 20 tỷ USD. Ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 3,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đứng đầu kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp khi đạt trên 2 tỷ USD, tăng tới gần 50% so cùng kỳ năm 2022. Tình hình xuất khẩu gạo trong quý II được Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và kéo dài cả năm.

Ảnh minh họa
Xuất khẩu gạo duy trì đà tăng trưởng

Thời gian qua, ngành lúa gạo Việt Nam đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm lượng, tăng chất, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các nhà nhập khẩu khó tính như sản xuất xanh, giảm phát thải... Đây cũng là nguyên nhân một phần giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao; thậm chí, một số loại chất lượng, có thương hiệu có thể bán với giá 1.200 USD/tấn.

"Tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp, gạo tăng cường chất dư lượng tăng nhanh, ví như gạo thơm xuất khẩu hơn 25% tổng sản lượng", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chia sẻ.

Tiêu thụ gạo trên thế giới, được các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng 2,8 triệu tấn. Đây là cơ hội lớn cho hạt gạo Việt tiếp tục tăng trưởng về cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Xuất khẩu gạo sang châu Phi: Nhiều tiềm năng!

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), châu Phi dự kiến nhập khẩu gần 18 triệu tấn gạo.

Trong thời gian tới, nguồn cung cấp gạo chính của châu lục này vẫn sẽ tập trung vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam hiện xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi với khối lượng đạt trên 600.000 tấn. Trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Ai Cập…

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về điều kiện thanh toán, giao thương tại các nước này, tránh những rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này.

PV

Hồng Nhung