THCL Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo về việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2016. Trong đó, xuất khẩu lúa gạo tiếp tục lao dốc, giảm 25% về lượng và 20,3% giá trị so với cùng kỳ 2015.
Xuất khẩu lúa gạo lao dốc trong gam sáng bức tranh nông nghiệp
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 ước đạt 2,69 tỷ USD, nâng tổng xuất khẩu trong 11 tháng lên mức 29,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 7,2%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 6,4 tỷ USD; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD.
Xuất khẩu thuỷ sản đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch 11 tháng với 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu, chiếm hơn một nửa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Trong khi đó, cà phê và hạt tiêu là hai ngành hàng đang có sự gia tăng mạnh nhất, cả về khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu.
So với cùng kỳ, ngành hàng cà phê tăng 36,1% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị. Xuất khẩu cà phê trong tháng 11 ước đạt 101.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đạt 1,6 triệu tấn và 2,98 tỷ USD.
Ngành hàng hạt tiêu tăng 36,7% về khối lượng và tăng 15,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Khối lượng hạt tiêu xuất 11 tháng qua đạt 170.000 tấn và 1,37 tỷ USD.
Một số ngành hàng như hạt điều, cao su, chè, gỗ và các sản phẩm gỗ đều có sự tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015, với hạt điều tăng 6,2% và tăng 18,3%, cao su tăng 12,3% và tăng 4,6%, chè tăng 7,1% và tăng 4,3%...
Trong khi các mặt hàng nông sản khác có xu hướng tăng, thì xuất khẩu gạo lạc lõng giảm mạnh cả về lượng và giá trị.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 353 nghìn tấn với giá trị đạt 156 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo sang thị trường này 10 tháng chỉ đạt 1,57 triệu tấn, giảm 22,5% về lượng và 13,7% so với cùng kỳ.
Gana lầ thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 11,5% thị phần, tăng 38,6% về lượng so với cùng kỳ.
Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (-61,6%), Malaysia (-51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (-29,1%), Mỹ (-28,3%) và Hồng Kông (-7,7%).
Hoan Nguyễn