1. Ghi nhãn trên sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh
Thông tư 36/2015/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2015/BCT đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh.
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, NK, phân phối sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh, giấy tissue tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo đó, quy định về việc ghi nhãn trên sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh phải đảm bảo trên mỗi đơn vị bao gói sản phẩm phải có nhãn hàng hóa; nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định về Nhãn hàng hóa.
Nội dung ghi nhãn hàng hóa phải có tối thiểu các thông tin sau: Tên, địa chỉ của nhà sản xuất; Tên, địa chỉ nhà NK (đối với sản phẩm NK); Nhãn hiệu sản phẩm; Số hiệu tiêu chuẩn do nhà sản xuất công bố áp dụng; Dấu hợp quy (dấu CR); Định lượng của một lớp giấy; Loại bột giấy sử dụng; Số lớp của sản phẩm; Ngày sản xuất - hạn sử dụng.
2. Áp dụng công thức tính lãi suất mới từ đầu năm 2018
Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2017/TT-NHNN về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Cụ thể, công thức tính lãi mới được quy định như sau: Số tiền lãi ngày = (Số dư thực tế x Lãi suất tính lãi)/365. Số tiền lãi của kỳ tính lãi bằng tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.
Đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời gian duy trì số dư thực tế nhiều hơn 01 ngày trong kỳ tính lãi, áp dụng công thức sau:
Số tiền lãi = ∑(Số dư thực tế x Số ngày duy trì số dư thực tế x Lãi suất tính lãi)/365.
Thông tư 14/2017/TT-NHNN sẽ thay thế Quyết định 652/2001/QĐ-NHNN ngày 17/5/2001, Quyết định 51/2006/QĐ-NHNN ngày 06/10/2006 và Khoản 2 Điều 13 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004.
3. Điều kiện đối với phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch
Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đảm bảo đầy đủ các nội thất, tiện nghi theo quy định nêu sau:
Đối với phương tiện từ 12 đến 20 ghế ngồi phải có: Bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm; Số điện thoại, địa chỉ cơ quan tìm kiếm cứu nạn; Biểu đồ hành trình tuyến du lịch; Thùng chứa đồ uống; Thùng rác.
Đối với phương tiện từ 20 đến 50 ghế ngồi phải trang bị thêm: Dụng cụ chống nắng, micro; Tủ thuốc, dụng cụ sơ cứu, cứu nạn; Khu vực phục vụ ăn uống, khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế và các quy định phòng chống cháy nổ.
Ngoài những nội thất, tiện nghi trên, phương tiện trên 50 ghế ngồi trở lên phải có: Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ (quạt mát); phòng vệ sinh.
4. Thay đổi Danh mục bệnh trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng
Đây là nội dung chính của Thông tư 38/2017/TT-BYT về Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Theo đó danh mục bệnh truyền nhiễm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Thông tư 38 đã giảm đi 2 bệnh (bệnh thương hàn và bệnh tả) so với quy định hiện hành tại Thông tư 26/2011/TT-BYT ngày 24/6/2011.
Đồng thời, bổ sung bệnh Rubella vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi, và được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Danh mục này sẽ được Bộ Y Tế cập nhật và bổ sung trong trường hợp cần thiết.
Thông tư còn bỏ hơn 10 loại bệnh thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, đến vùng có dịch.
Thông tư 38/2017/TT-BYT sẽ thay thế cho Thông tư 26.
5. Một số quy định về xuất nhập khẩu sẽ bị bãi bỏ từ năm 2018
Thông tư 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Theo đó, thực hiện bãi bỏ một số quy định và văn bản về lĩnh vực xuất nhập khẩu như: Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ trở xuống; Thông tư 04/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011; Chương IV của Thông tư 44/2010/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
6. Danh mục hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) Việt Nam năm 2018
Theo thông tư 65/2017/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam thì nhiều mã hàng đã được tăng so với Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam ban hành theo Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015.
Căn cứ vào Danh mục này, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành: Xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK; Xây dựng các Danh mục hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ và quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Hải quan; Thống kê Nhà nước về hàng hóa XK, NK; Phục vụ công tác quản lý nhà nước về XK, NK hàng hóa và các lĩnh vực khác.
Thông tư 65/2017/TT-BTC sẽ thay thế cho Thông tư 103/2015/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam.
7. Tăng hạn ngạch thuế quan NK thuốc lá nguyên liệu năm 2018
Thông tư 25/2017/TT-BCT quy định việc NK thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2018, theo đó lượng thuốc lá nguyên liệu NK theo hạn ngạch thuế quan năm 2018 là 53.604 tấn, tăng 2.553 tấn so với năm 2017 (quy định tại Thông tư 39/2016/TT-BCT ngày 30/12/2016).
Đối tượng được cấp giấy phép NK theo hạn ngạch thuế quan là thương nhân đáp ứng 02 yêu cầu sau: Có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công thương cấp; Có nhu cầu sử dụng một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu NK để sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công thương xác nhận.
8. Ô tô trên 07 đến 09 chỗ phải dán nhãn năng lượng trước khi ra thị trường
Nội dung trên có trong Thông tư 40/2017/TT-BGTVT về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con trên 07 - 09 chỗ.
Theo đó, xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất, lắp ráp (SXLR) và nhập khẩu (NK) xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong các trường hợp: Xe SXLR thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (GCN ATKT&BVMT) trước 01/01/2018 theo Thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 54/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014. Xe NK thuộc loại xe đã được cấp GCN ATKT&BVMT trước 01/01/2018 theo Thông tư 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 55/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014.
9. Quy định mới về cách tính số ngày điều trị nội trú
Thông tư 44/2017/TT-BYT sửa đổi Thông tư 02/2017/TT-BYT về mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.
Theo đó Thông tư điều chỉnh về cách tính số ngày điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư 02 như sau:
Người bệnh vào viện và xuất viện trong cùng một ngày thì được tính là một ngày điều trị nội trú (trừ trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu quy định tại Thông tư 02).
Người bệnh vào viện trước 12 giờ sáng tính 70%, vào viện sau 12 giờ sáng tính 50% ngày giường tương ứng.
Người bệnh ra viện trước 12 giờ sáng tính 50%, ra viện sau 12 giờ sáng tính 70% ngày giường tương ứng.
Ngoài ra, Thông tư 44/2017/TT-BYT còn sửa đổi tên và mức giá tối đa của một số dịch vụ quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 02.
10. Những điểm mới về nội quy phòng xử án
Nội quy phòng xử án được đề cập tại Thông tư 02/2017/TT-TANDTC có một số điểm mới đáng chú ý như: Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phiên tòa (TKPT) phải mặc trang phục xét xử đúng quy định; Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, TKPT, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án; Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trước khi khai mạc phiên tòa, TKPT ổn định trật tự, kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa triệu tập, phổ biến nội quy phiên tòa, thực hiện các thủ tục khác. Nếu Thẩm phán, Hội thẩm, TKPT khi xét xử không mặc đúng trang phục thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý.
Hưng Khánh