Hai ngày mệt mỏi, đến ngày thứ ba, ngày 01/03/2022, thấy có các triệu chứng của bệnh Covid, nên tôi tìm số điện thoại của Trạm Y tế phường 2, TP.Vũng Tàu. Đang giờ nghỉ trưa, nên tôi chỉ nhắn tin cho chị Võ Thị Mai (Trưởng trạm Y tế phường 2) báo có bệnh nhân Covid. Đúng 14 giờ (giờ làm việc), chị Mai gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm bệnh và chỉ 15 phút sau đó, một nhân viên y tế trực tiếp đến nhà, test nhanh kháng nguyên Sars- Cov-2. Tôi bị dương tính.
Mặc dù đã được tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng Covid.19 nhưng khi bị dương tính (lần đầu) tôi vẫn có cảm giác lo sợ, tâm trạng mệt mỏi, bất an…Hình như đọc được suy nghĩ của tôi, nên anh Nguyễn Huỳnh Hải (sinh năm 1997) nhân viên y tế cười động viên, an ủi:
Anh nghỉ ngơi đi. Không sao đâu, 5 - 7 ngày là khỏi. Chút nữa anh nhờ người thân đi mua một máy đo nồng độ oxy trong máu qua đầu ngón tay (OROMI) để kiểm tra thường xuyên, nhất là vào ban đêm. Nhớ không được bật máy lạnh trong phòng ngủ…
Sau khi tư vấn những việc cần làm, cần tránh, đối với bệnh nhân covid, trước khi ra về, anh còn dặn dò tôi:
Ban đêm, bất cứ lúc nào, nếu thấy chỉ số đo nồng độ oxy trong máu từ 94 trở xuống thì anh gọi điện thoại cho em. Em sẽ mang oxy đến.
Tôi hỏi lại để xác nhận:” Ban đêm, bất kỳ lúc nào cũng gọi điện thoại cho em được, phải không?”
Anh Hải cười xác nhận và chốt lại bằng một câu trả lời rất chắc chắn: “Vâng. Bất cứ lúc nào”
Nhân viên y tế về rồi, tôi tranh thủ nhờ người nhà mua máy SpO2. Thời điểm này, các nhà thuốc bán hết sạch, không còn máy đo SpO2 để bán, chỉ còn Nhà thuốc Long Châu, bán với giá 690.000 đồng/máy (xuất xứ Trung Quốc). Sáng hôm sau, do chưa biết cách đo chuẩn xác nên chỉ số trên máy báo 92- 93, tôi lập tức nhắn tin cho anh Hải và chỉ 15 phút sau, anh đã có mặt. Thấy tôi mua máy giá đắt, anh kêu lên: “Sao anh mua đắt thế, không nói, em mua dùm cho. Máy này chỉ 200.000 - 250.000 đồng thôi”.
Qủa thật, sự có mặt kịp thời nhanh chóng của nhân viên y tế phường đã làm tôi rất yên tâm, thấy tin tưởng hơn. Thái độ nhiệt tình, tác phong chuyên nghiệp, tính cách niềm nở, vui vẻ của anh Nguyễn Huỳnh Hải đã làm tôi thay đổi nhiều suy nghĩ. Thật bất ngờ hơn khi biết anh là một trong số 51 tình nguyện viên Đoàn y bác sĩ TP.HCM và tỉnh Bình Dương tăng cường cho tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 26/11/2021.
Anh Hải chia sẻ: “Anh cùng 2 bạn tình nguyện viên Huỳnh Bá Kỳ và Nguyễn Thị Thanh Thúy được tăng cường về Trạm Y tế phường 2, TP.Vũng Tàu. Mặc dù ở trạm y tế phường nhưng áp lực công việc cũng rất lớn. Tối các anh thường phải trực đến 11 giờ khuya. Có hôm bệnh nhân chuyển biến nặng, 3, 4 giờ sáng các anh vẫn phải theo xe cấp cứu di chuyển bệnh nhân lên tuyến trên…”
Chẳng cần đòi hỏi những tình nguyện viên phải có những cống hiến lớn lao, chỉ tính riêng chuyện tự nguyện đến vùng dịch đã nói lên phẩm chất cao đẹp, sự hy sinh thầm lặng, không thể đong đếm đối với các chiến sĩ tình nguyện áo trắng. Một cái nhìn, một nụ cười chia sẻ, cảm thông với người bệnh vào đúng lúc cần thiết nhất; một câu nói thể hiện hành động hết lòng vì người bệnh, được nói ra đúng thời điểm sẽ là liều thuốc tinh thần, là nguồn sức mạnh cực lớn giúp người bệnh vượt qua khó khăn, mau khỏi bệnh.
Thành phố Vũng Tàu tôn vinh các “chiến sĩ áo trắng” nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Có thể trên thực tế, sẽ còn hơn thế nữa những tấm lòng nhiệt huyết của rất nhiều các chiến sĩ tình nguyện áo trắng, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn mong các địa phương trong cả nước có nhiều tình nguyện viên như thế, nhiều tình nguyện viên như anh Nguyễn Huỳnh Hải (Trạm Y tế phường 2, TP.Vũng Tàu)./.
Đào Quốc Thịnh