Bài 3: Công ty CPQT Trường Gia - TMC đã qua mặt các cơ quan chức năng? - Hình 1

Trụ sở chính của công ty cổ phần quốc tế Trường Gia – TMC. Ảnh: Linh Tuệ

Bất hợp tác?     

Công ty TMC, với tên tiếng Việt là công ty cổ phần quốc tế Trường Gia – TMC, tên nước ngoài Trường Gia TMC International Joint stock Company, tên viết tắt traminco.,JSC. Trụ sở chính: Ô 16-C khu đấu giá QSDD Mỹ Đình, phường mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Với 8 lĩnh vực hoạt động, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đại diện pháp luật, ông Trần Tuấn Anh. Ngày cấp phép 19/12/2011; Ngày hoạt động: 19/12/2011; được Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh số: 0105740065 và được Bộ lao động Thương binh và Xã  hội cấp Giấy phép số 333/BLĐTBXH-GP hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngày 14/9/2018, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Trung tâm Đào tạo Cán bộ Hội chữ thập đỏ, đã hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa có lịch làm việc, phải chăng đã có sự né tránh báo chí?  Việc cho các trung tâm thuê học tiếng trong đó có công ty TMC là có đúng với chức năng nhiệm vụ? Đề nghị Trung Ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vào cuộc xác minh và làm rõ, đảm bảo đúng chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích được đề ra.

Sở Lao động TBXH Hà Nội sẽ xử lý

"Sẽ làm mạnh khi đầy đủ chứng cứ", đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Đức Vỹ - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động TBXH Hà Nội) tại buổi làm việc với phóng viên ngày 02/10/2018. Theo ông Vỹ, phải có bằng chứng chứng minh việc công ty Trường Gia TMC thu thêm tiền trái với quy định của Bộ LĐTB & XH thì Sở LĐTB&XH Hà Nội mới hỗ trợ xác minh và xử lý. Đây mới chỉ là thông tin báo đưa…

Ông Vỹ cho rằng, những chứng cứ phóng viên đưa ra cần phải có sự phối hợp với bên công an mới làm rõ được. Cũng đề nghị báo chí cung cấp thông tin đó thì cung cấp cho Sở. Phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở và tiến hành thanh kiểm tra đột xuất theo quy định để làm rõ vấn đề này. “Khẳng định luôn với các đồng chí là phí dịch vụ đi Đài Loan tối đa là 4000USD. Vượt mức đấy đương nhiên là vi phạm. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này là rất nặng: theo điểm 33 của Nghị định 95 cũng như Văn bản hợp nhất Nghị định 88 và Nghị định 95 là phạt 80 đến 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động. Đình chỉ thời gian như thế nào là thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý lao động Ngoài nước”, ông Vỹ cho biết thêm.

Thủ đoạn tinh vi!

Mặc dù, quy định mức phí đã được đưa ra rất rõ “không vượt quá 4000$”, nhưng công ty TMC vẫn “ung dung” qua mắt được các cơ quan chức năng bởi thủ đoạn ít ai ngờ tới: Người lao động sẽ phải trả thêm khoản tiền ngoài quy định bằng cách chuyển khoản qua một tài khoản cá nhân. Còn số tiền được thể hiện trong các phiếu thu đều rất đúng với quy định.

Theo bà Hoàng Thị Dương - người được cho là đã đứng ra để đóng tiền cho anh Hà. Bà Dương cho biết, ngày 31/8/2018, khi bà đến nộp tiền cho cháu mình là anh Đoàn Xuân Hà tại trụ sở Công ty Cổ phần Quốc tế Trường Gia TMC ở Mỹ Đình thì toàn bộ số tiền 129 triệu VND không được đóng hết bằng tiền mặt mà bà chỉ phải nộp 49 triệu VND tại đây (có phiếu thu) và số tiền còn lại là 80 triệu VND được chuyển khoản qua một tài khoản cá nhân là Đinh Thị Hằng Nga chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Tây Đô. Đây cũng là người trực tiếp thu tiền mặt của người lao động tại công ty TMC vào chiều ngày 31/8/2018.

Bài 3: Công ty CPQT Trường Gia - TMC đã qua mặt các cơ quan chức năng? - Hình 2

Chứng từ giao dịch khi bà Dương khi bà chuyển khoản qua cây TM, đây là 1 trong 3 chứng từ giao dịch với trị giá 25 triệu đồng (PV đã thu thập đủ 4 chứng từ, trong đó có 1 chứng từ là 5 triệu đồng)

Bài 3: Công ty CPQT Trường Gia - TMC đã qua mặt các cơ quan chức năng? - Hình 3

 Chứng từ giao dịch 5 triệu đồng 

Câu hỏi được đặt ra, có quy định nào cho phép nhân viên của  công ty thu tiền của người lao động qua tài khoản cá nhân hay không? Điều đáng lưu ý đó chính là số tiền thu vượt mức quy định; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ hành vi “mập mờ” trong việc thu phí XKLĐ của cá nhân bà Đinh Thị Hằng Nga. Cũng cần làm rõ số tiền thu từ người lao động theo số tài khoản cá nhân là bao nhiêu? Việc này đã kéo dài trong bao lâu và sẽ bị xử lý như thế nào?

Hành vi thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng (hình thức xử phạt bổ sung) được quy định tại điểm b, khoản 2, điều 33 Văn bản hợp nhất 4756/VBHN-BLĐTBXH năm 2015 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành hợp nhất nghị định về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhóm PV