LTS: Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Thương hiệu và Công luận đăng tải loạt bài viết này mới mục đích tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận kinh tế của các cơ quan chức năng TP. HCM tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân địa phương và xã hội… |
Trung tâm mua sắm Saigon Square bán hàng “fake”
Bên cạnh bầu không khí tấp nập, náo nhiệt của người mua, kẻ bán…, thì những sản phẩm như ví da, túi xách nhái các thương hiệu nổi tiếng cũng được bày bán la liệt tại “thiên đường mua sắm” - Trung tâm mua sắm Saigon Square, 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP. HCM.
Cụ thể, có mặt tại một cửa hàng bày bán hàng trăm sản phẩm ví da, túi xách… tại Trung tâm mua sắm Saigon Square, chúng tôi được người bán hàng tư vấn, giới thiệu cho một số loại ví da dành cho nam giới mang thương hiệu Gucci, Louis Vuitton – LV, Prada, Thom Browne… Theo người bán cho biết, những loại ví này có giá 750.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các loại ví của những thương hiệu này có giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng/ sản phẩm.
Tương tự, tại một cửa hàng khác bày bán hàng loạt các mẫu túi xách, ví da nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Louis Vuitton – LV, Prada … với giá chỉ từ 600.000 đồng cho đến hơn 1 triệu đồng. Theo người bán hàng tại đây tư vấn: “Hàng bên em đều là fake (hàng nhái - PV) loại 1 đấy anh, cho nên chất lượng rất là tốt không thua kém hàng thật là mấy đâu anh”.
Đáng chú ý, hầu như những người bán hàng ở đây đều biết những sản phẩm mà mình bán là hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng lại vẫn “ngang nhiên” tư vấn, bán cho khách hàng như không có sự tồn tại của các cơ quan chức năng.
Trong quá trình ghi nhận thực tế, PV cũng bắt gặp không ít khách du lịch là những người nước ngoài đang mua hàng tại đây. Những hành vi này không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt người nước ngoài.
Đối với hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng, tùy từng hành vi mà chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm. |
Đáng nói, trước đó ngày 20/01/2021 Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã từng kiến nghị lên UBND TP. HCM, đề nghị cho đóng cửa Trung tâm Thương mại Saigon Square. Lý do cần phải đóng cửa được Cục Quản lý thị trường đưa ra là vì nơi đây kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tồn tại, ngang nhiên “thách thức” các cơ quan chức năng.
La liệt túi xách, ví da “fake”, nước hoa không rõ nguồn gốc tại chợ Bến Thành
Rời khỏi Saigon Square, tiếp tục di chuyển đến chợ Bến Thành, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM, phóng viên không khỏi “choáng ngợp” vì ở đây được bày bán rất nhiều các loại mặt hàng khác nhau như: Thời trang, nước hoa, thực phẩm… Thế nhưng, chất lượng, nguồn gốc của những sản phẩm này lại là dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng.
Cụ thể, trong vai người có nhu cầu mua túi xách, phóng viên đã ghé vào một sạp hàng chuyên bán túi xách, ví da, dây lưng… với đầy đủ mẫu mã, chủng loại bên trong tại chợ Bến Thành. Khi hỏi về giá cả và nguồn gốc của sản phẩm túi xách dành cho nam, mang thương hiệu Gucci thì người bán hàng cho biết: “Túi Gucci này chị đang bán 3,5 triệu đồng em nhé”. Ngoài ra, người này cũng không ngần ngại nói: “Đây là hàng fake loại 1 nha, hàng chính hãng là mấy chục triệu cơ”.
Khi phóng viên hỏi thêm về giá tiền của loại túi mang thương hiệu Louis Vuitton - LV và được người bán hàng giới thiệu: “Cái này fake loại 1 người ta đang bán giá tới mười mấy triệu, chị để cho em 2,8 triệu đồng”.
Quan sát thực tế, những sản phẩm túi xách “fake” các thương hiệu nổi tiếng có mẫu mã rất giống hàng thật, tuy nhiên chất lượng của sản phẩm lại không được đảm bảo. Cụ thể, sản phẩm túi xách Gucci vẫn còn có nhiều chỉ thừa, thậm chí có những phần đã bị bong tróc sơn, phai màu…
Đối với một ki-ốt chuyên bán nước hoa tại chợ Bến Thành, tại đây được bày bán hàng trăm lọ nước hoa gắn logo của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Ngay lập tức phóng viên được người bán hàng giới thiệu: “Toàn đồ nhập không đấy em”; “Hàng ngoại đàng hoàng, ở đây bán không có đồ đểu đâu”…1 chai nước hoa thương hiệu Calvin Klein trên vỏ hộp chai không có tem phụ tại đây chỉ với giá 900.000 đồng. Được biết giá của chai nước hoa này nếu là hàng thật thì sẽ lên tới hàng triệu đồng.
Cũng tại cửa hàng này, 1 chai nước hoa mang thương hiệu Tommy, tại đây chỉ với bán với giá 900.000 đồng, được biết giá bán của chai này (hàng chính hãng) là khoảng gần 2 triệu đồng. Khi được hỏi về tại sao giá nước hoa “xịn” ở đây lại rẻ như vậy thì người bán hàng cho biết: “Các em mua ở ngoài cửa hàng người ta bán phải kèm với tiền thuê mặt bằng, cô bán ở chợ nên giá rẻ hơn là điều đương nhiên”. Theo quan sát, phần lớn các chai nước hoa mang thương hiệu lớn được bày bán tại đây đều không có tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
… và nhiều tuyến phố trung tâm tại TP. HCM
Ngoài chợ Bến Thành, Trung tâm mua sắm Saigon Square thì tại các quận trung tâm của TP. HCM cũng mọc lên nhiều cửa hàng kinh doanh những sản phẩm túi xách, nước hoa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Cụ thể, phóng viên được nhân viên cửa hàng có tên Tina shop (264M Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3), chuyên bán các loại túi xách, balo, ví nữ,… tư vấn, “các sản phẩm bên em đang bán ở cửa hàng là những sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc”, giá của những sản phẩm này giao động từ 400.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, những sản phẩm nhập khẩu này lại không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định.
Cũng giống cửa hàng trên, tại cửa hàng có tên “KOS” (102-A2 Huỳnh Văn Bánh, phường 15, quận Phú Nhuận) bán nhiều mặt hàng balo, túi xách, vali… Nhân viên bán hàng tại cửa hàng KOS cho biết: “Balo với túi xách ở đây bọn em là thương hiệu Ý nhưng được sản xuất tại Trung Quốc”. Nói là hàng nhập khẩu, nhưng theo quan sát của PV thì những sản này có tem, mác là chữ nước ngoài chứ không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Còn đối với mặt hàng nước hoa, ghi nhận tại cửa hàng nước hoa Linh Perfume địa chỉ 12 Ter, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1, chúng tôi như lạc vào “ma trận nước hoa” với đầy đủ các loại nước hoa của hầu hết các hãng nước hoa nổi tiếng trên thế giới như: Dior, Chanel, Gucci, Carolina, Versace, Sì,… Nhân viên cửa hàng cho hay: “Bên em đây đều là nước hoa nhập khẩu chính hãng”, nhưng hầu hết các sản phẩm nước hoa của cửa hàng này đều không được dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Theo đó, người này cũng đưa ra một số sản phẩm đang bán chạy tại cửa hàng như nước hoa mang thương hiệu Sì 100ml có giá là 3.199.000 đồng, nước hoa mang thương hiệu Dior 100ml có giá là 3.599.000 đồng, Carolina GoodGirl 100ml có giá là 3.199.000 đồng. Khi được hỏi về việc tại sao nước hoa nhập khẩu lại không dán tem phụ bằng tiếng Việt thì nhân viên cửa hàng cho biết: “Cái đó bên em không dán ạ, tại vì bên em có một số hàng nhập công ty còn lại là hàng xách tay”.
Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 về nhãn hàng hóa. Theo đó Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3, Điều 15, Nghị định này. Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này. Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. |
Tiếp tục ghi nhận tại cửa hàng nước hoa Miss Luxury (37A Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Tại đây, cũng bày bán hàng loạt các loại nước hoa mang các thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Chanel, TomFord, Carolina,… Tuy nhiên, trên bao bì các sản phẩm nước hoa này đều không có tem phụ bằng tiếng Việt.
Nhân viên cửa hàng khẳng định: “Nước hoa bên em anh yên tâm về chất lượng, bên em có 3 chi nhánh ở TP. HCM cơ”. Khi hỏi về việc tại sao trên bao bì sản phẩm không thấy có tem phụ bằng tiếng Việt thì các nhân viên đồng loạt trả lời một cách ngạc nhiên: “Hàng nhập mà anh, sao có tiếng Việt được”. Một nhân viên cũng nói thêm: “Cái này là hàng xách tay đó anh, nó chỉ có tên thương hiệu, chữ in trên sản phẩm thôi anh”.
Theo chuyên gia khuyến cáo, những loại nước hoa giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể được pha chế từ hàng trăm loại hóa chất tạo mùi hương khác nhau, trong đó hơn 95% hóa chất tạo mùi hương từ công nghệ hóa dầu. Tác hại phổ biến nhất khi dùng những loại nước hoa không đảm bảo chất lượng là viêm niêm mạc đường hô hấp, viêm mũi, viêm xoang do dị ứng. Mùi hương của nước hoa không rõ nguồn gốc có thể gây hen suyễn, đau đầu, thậm chí những người không dùng trực tiếp nhưng khi tiếp xúc với mùi này cũng sẽ bị nhức đầu. Nếu sử dụng lâu dài, người dùng có thể chịu tác động liên quan thần kinh, trí nhớ giảm, có thể gây các cơn co giật do động kinh. Hóa chất tạo mùi hương trong nước hoa khi sử dụng nhiều tích lũy dần có thể làm biến đổi gen, biến đổi ADN của một số tế bào trong cơ thể, có thể dẫn đến ung thư... |
Vì sao các loại túi xách, ví da nhái thương hiệu, nước hoa không rõ nguồn gốc, xuất xứ lại có thể công khai kinh doanh, buôn bán tại nhiều tuyến phố tại TP. HCM, thậm chí là ở ngay giữa Trung tâm mua sắm Saigon Square? Các cơ quan trực thuộc Ban chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường TP. HCM kiểm tra, giám sát thị trường thế nào? Để xảy ra thực trạng nêu trên, thì trách nhiệm thuộc về ai? Có lẽ đây là câu hỏi đang được đông đảo dư luận đặt ra, chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng TP. HCM!
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin đến bạn đọc về thực trạng các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đang được công khai bán ra thị trường tại TP. HCM ở các bài tiếp theo.
Nguyễn Trung – Nguyễn Tùng