Kết quả đó đạt được nhờ toàn bộ lực lượng y bác sỹ, nhân viên y tế của bệnh viện đã nỗ lực triển khai hàng loạt các hoạt động, đáp ứng chiến lược điều trị COVID-19 trong tình hình mới.
Thứ nhất là đảm bảo tiến độ xét nghiệm RT-PCR cho người bệnh vào ngày thứ 7 sau nhập viện và trả kết quả trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu bệnh phẩm. Điều này, không chỉ giúp tạo cho người bệnh một tinh thần thoải mái, mau bình phục, mà còn làm giảm áp lực cho hệ thống y tế, nhanh chóng tiếp nhận những bệnh nhân mới cần được chăm sóc điều trị.
Thứ hai là tăng cường kết nối trực tuyến với người bệnh, theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện những trường hợp diễn tiến bất thường đề xử trí ngay. Cùng một lúc, bệnh viện phải quản lý chăm sóc cho một số lượng lớn bệnh nhân. Chính vì vậy, việc tạo lập các đường dây nóng hoạt động 24/24, nhóm zalo kết nối những người bệnh từng khoa với bác sĩ phụ trách là một giải pháp khá hiệu quả. Chỉ với 1 tin nhắn, 1 cuộc gọi của người bệnh, bác sĩ nhận ngay thông tin và xử trí kịp thời.
Thứ ba là nâng cao trình độ chuyên môn, tập trung chuyên sâu vào điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng từ trung bình tới nặng. Hàng trăm nhân sự từ Bệnh viện Bình Dân tiếp tục tăng cường cho Dã chiến số 8, trong đó có các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm trong cấp cứu, hồi tỉnh, hồi sức, nội khoa để gấp rút thiết lập và vận hành khu Hồi sức cấp cứu điều trị cho nhiều trường hợp COVID-19 diễn tiến nặng.
Khu điều trị đặc biệt này với hơn 200 giường luôn tất bật không ngưng nghỉ với các hệ thống oxy cao áp, các máy trợ thở oxy dòng cao, máy thở chức năng cao là mặt trận khốc liệt nhất, nơi nhân viên y tế khẩn trương từng giây phút đấu tranh giành sự sống cho từng người bệnh. Tại đây, nhiều bệnh nhân béo phì, lớn tuổi, bệnh nền phức tạp, người bệnh có bệnh lý tiết niệu và tổng quát đã vượt qua tình trạng nguy kịch.
Thứ tư là phòng ngừa lây nhiễm chéo, thiết lập các vùng đệm. Bệnh viện dùng một tầng trong các khối nhà làm tầng đệm, ngăn vùng sạch với vùng nhiễm. Người bệnh và nhân viên làm việc ở khối nhà này tuyệt đối không di chuyển sang khối nhà khác hoặc các tầng khác. Người bệnh ở cùng phòng là những F0 có cùng thời gian điều trị, được hướng dẫn mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Phòng bệnh được lưu ý vệ sinh thường xuyên các bề mặt tiếp xúc, đối lưu không khí thông thoáng với cửa sổ và ban công rộng mở, được trang bị quạt gió. Thang máy nhận bệnh và thang máy cho bệnh nhân xuất viện được bố trí riêng biệt và di chuyển trong các khung giờ cách xa nhau. Nhân viên phụ trách khử khuẩn làm việc liên tục để đảm bảo an toàn cho mọi khu vực ngay sau khi người bệnh nhận phòng. Bệnh viện bố trí các bảng biểu chỉ dẫn phân vùng, hướng di chuyển phù hợp để tránh tối đa nguy cơ cho nhân viên và người bệnh đi vào các vùng nguy cơ cao. Mọi nhân viên khi nhận nhiệm vụ đều được tập huấn và tập huấn lại cách sử dụng đúng phương tiện phòng hộ.
Thứ năm là nhân viên y tế mắc COVID-19 vẫn tình nguyện tiếp tục tham gia chăm sóc người bệnh, vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho người bệnh thông qua những kênh kết nối trực tuyến cũng như trực tiếp hỗ trợ người bệnh khi người bệnh bị khó thở, trở nặng. Nhiều nhân viên y tế quyết tâm “hết dịch mới về nhà” bám trụ cùng đồng đội tại Bệnh viện Dã chiến số 8.
Tất cả sự nỗ lực của Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 8 đã không uổng phí khi hơn 10.000 bệnh nhân được khỏi bệnh, được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Đây là nguồn động viên thần to lớn cho đội ngũ nhân viên y tế tiếp tục mạnh mẽ tập trung triển khai điều trị tích cực, chăm sóc chu đáo người bệnh COVID-19, góp phần hạn chế mức thấp nhất tử vong, sớm ngăn chặn và kiểm soát thành công dịch bệnh.
Phạm Sơn
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)