Theo Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2022 tổng kế hoạch nguồn vốn tín dụng của NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Dương hơn 4.215 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 2.028 tỷ đồng, với 32.376 lượt khách hàng vay vốn, Tổng dư nợ đến 31/12/2022 đạt 4.147 tỷ đồng.

Chương trình cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất đã giải ngân cho 223 lượt người sử dụng lao động với số tiền hơn 541 tỷ đồng để trả lương cho 124.103 lượt người lao động (xếp thứ 3 toàn quốc).

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nghe chia sẻ của người lao động đang làm việc tại nhà máy.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nghe chia sẻ của người lao động đang làm việc tại nhà máy. (Ảnh: Tiền Phong)

Thực hiện chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã giải ngân được 132,079 tỷ đồng. Tổng cả 02 chương trình, tỉnh Bình Dương đã giải ngân hơn 670 tỷ đồng.

Trong năm 2022, có 610 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động, giải thể, tăng trên 23% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh tiếp tục tăng cho thấy sau những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mang lại, sự bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới làm cho giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng cao gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Một số lĩnh vực các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng tăng cao, gồm: Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.   

Được biết, trong năm 2023 tỉnh Bình Dương có số lao động tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người; lao động bị giảm giờ làm có khoảng 240.000 lao động và có 610 doanh nghiệp giải thể. Ngoài ra, do tình hình sản xuất gặp khó khăn nên một số doanh nghiệp nợ hoặc chậm trả lương cho người lao động.

Phong Vân (t/h)