Việt Nam là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được loại vắc xin phối hợp sởi – rubella, giúp chủ động được nguồn vắc xin phòng chống dịch bệnh sởi-rubella.
Dây chuyền sản xuất vắc xin phối hợp sởi-rubella
Vắc xin phối hợp sởi – rubella là vắc xin thứ hai của Việt Nam sản xuất theo công nghệ phối hợp hai thành phần trong một sản phẩm vắc xin, trong khi các vắc xin còn lại đều là vắc xin một thành phần. Sử dụng vắc xin sẽ phòng được hai bệnh sởi và rubella cùng một lúc.
“Đây là thành công lớn của đơn vị nói riêng và ngành sản xuất vắc xin của Việt Nam nói chung. Việt Nam là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được loại vắc xin này. Từ nay, Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin phòng chống dịch bệnh sởi-rubella, tránh nguy cơ thiếu hụt vắc xin do thủ tục nhập khẩu hoặc khan hiếm từ nhà sản xuất; giảm ngân sách nhà nước khi mua vắc xin nước ngoài vì giá vắc xin sản xuất trong nước rẻ hơn”, ông Nguyễn Đăng Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, việc làm chủ được công nghệ mới trong sản xuất vắc xin phối hợp vừa qua sẽ là cơ hội để Trung tâm tiếp tục nghiên cứu các vắc xin phối hợp nhiều thành phần hơn trong tương lai.
Theo kế hoạch, tháng 6/2017, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế sẽ cung cấp khoảng 2,5 triệu liều vắc xin đầu tiên cho chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ, thay thế vắc xin nhập khẩu của Ấn Độ đang sử dụng hiện nay.
Bên cạnh đó, vắc xin mới này phù hợp tiêm phòng cho đối tượng bà mẹ đang mang thai để phòng tránh những nguy cơ bị tật cho trẻ khi sinh ra. Trên thị trường, giá của vắc xin chỉ bằng một nửa so với vắc xin nhập ngoại.
Vắc xin phối hợp sởi-rubella được Bộ Y tế giao cho Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất vào năm 2013, xuất phát từ tình hình bệnh rubella thường xuyên xảy ra tại Vệt Nam, nhất là nguy cơ đối với các bà mẹ mang thai khi bị nhiễm rubella có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ như bệnh tim, điếc, não úng thủy hoặc thai bị chết lưu.
Hoan Nguyễn