Theo TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, chúng ta phải bảo vệ trẻ em chống lại tác hại của thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới, đồng thời chống lại các chiến thuật săn mồi của ngành công nghiệp thuốc lá - đang lôi kéo và gây nghiện mọi người sử dụng các sản phẩm này khi còn nhỏ.
"Những sản phẩm này rất có hại cho sức khỏe. Chúng khiến người trẻ tuổi làm quen với nicotine và khiến họ bị lôi cuốn, có nguy cơ nghiện lâu dài, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của những người trẻ tuổi", TS Angela Pratt nhấn mạnh.
Đại diện Tổ chức WHO cũng khẳng định, tất cả các bằng chứng đều chỉ ra, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm của thuốc lá ngày càng tăng mạnh trong giới trẻ Việt Nam. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn điều này trước khi quá muộn.
"Tôi rất hoan nghênh công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 này, nhằm tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm chứa nicotine và thuốc lá mới, tăng cường thực thi chống buôn lậu, kiểm soát tội phạm ma túy. Đây là một bước đi quan trọng và rất đúng hướng", đại diện Tổ chức WHO bày tỏ.
Thuốc lá ở Việt Nam đang được nhận định là rất rẻ vì thuế thấp. Điều này có nghĩa là giá cả không tạo được rào cản ngăn ngừa những nhóm trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc và không khuyến khích những người hiện đang hút, bỏ thuốc lá.
Vì vậy, TS Angela Pratt cho rằng, chúng ta cần có hành động để việc bắt đầu hút thuốc hoặc tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Và tăng thuế thuốc lá chính là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để đạt được điều này.
Sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm: chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị các bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Theo Tổ chức WHO, mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam, theo ước tính sợ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.
Nhằm tăng cường sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày thế giới không thuốc lá.
Ở Việt Nam, được phép của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5. Ngày Thế giới không thuốc năm nay được Tổ chức WHO phát động với chủ đề "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".
Ngày 13/5 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và mọi người dân Việt Nam vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và cộng đồng, hãy tiếp tục có những hành động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo Chinhphu.vn