Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), sau nhiều năm xuất hiện Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh tiêu dùng "chìm lắng", năm nay dịch được kiểm soát, vì vậy việc sản xuất, tiêu dùng tăng hơn so với các năm vừa qua. Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao so với ngày thường, đặc biệt các sản phẩm thịt, cá, trứng, sữa, bánh kẹo, mứt...

TS. BS Võ Hồng Minh Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh cho biết, ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm ảnh hưởng đến cơ thể con người.

Nguyên nhân do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc độc tố là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngộ độc thực phẩm. Các tác nhân này có thể xâm nhập vào thực phẩm tại bất kỳ điểm nào trong quá trình vận chuyển, chế biến hay sản xuất. Khi các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và vào máu sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có thể là một hoặc nhiều triệu chứng như: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, đau dạ dày, chán ăn, mệt mỏi, sốt. Các triệu chứng có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn các thực phẩm bị ô nhiễm, hoặc có thể bắt đầu ngày sau đó. “Khi ngộ độc xảy ra cần ngưng ăn, thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Nếu người bệnh tỉnh táo nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài. Lưu ý không sử dụng thuốc chống nôn, không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Bên cạnh đó, cần nghỉ ngơi, uống nước muối đường hay nước biển khô (oresol) theo nhu cầu cơ thể. Nếu triệu chứng không cải thiện cần đến cơ sở y tế gần nhất, để theo dõi và điều trị. Ngoài ra, trong thời gian này nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin”, bác sĩ Công nói.

Cần ăn chín uống sôi để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết
Cần ăn chín uống sôi để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, PGS.TS Phong khuyến cáo đầu tiên, người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Thứ 2, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp còn hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng.

Mùa Tết, lễ hội ở miền Bắc thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ… dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, phía Nam vào dịp Tết nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá bảo quản không tốt dễ bị thiu, mốc, hỏng…

Đặc biệt, người dân không nên biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Hiện nay, thị trường rất đa dạng, phong phú vào ngày mùng 1-2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết tích trữ thực phẩm.

Minh An (T/h)